Cấu thành tội "Che giấu tội phạm"
Mặt khách quan
Về hành vi khách quan, hành vi che giấu tội phạm được hiểu là hành vi che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Che giấu được hiểu là giấu đi, không để lộ ra ngoài cho người khác biết. Che giấu người phạm tội là giấu, dùng thủ đoạn bao che người phạm tội, không để người khác phát hiện ra như cho người đó lẩn trốn, cho mượn chỗ ở, phương tiện, công cụ, thiết bị để hỗ trợ lẫn trốn. Che giấu dấu vết tội phạm là xóa, tiêu hủy, làm thay đổi các dấu vết do tội phạm gây ra như lau dọn hiện trường, rửa sạch công cụ, phương tiện… Che giấu tang vật là giấu đi, tiêu hủy, hủy bỏ vật, tiền, hàng hóa, công cụ, phương tiện phạm tội liên quan. Ngoài hành vi che giấu, tội "Che giấu tội phạm" còn gồm các hành vi khác nhằm cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm như cung cấp thông tin giả, ngụy tạo chứng cứ, dấu vết giả; phá hủy, làm hư hỏng công cụ phục vụ hoạt động nghiệp vụ, làm xấu đi tình trạng, điều kiện tiến hành các hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý…
Những hành vi nêu trên chỉ trở thành hành vi khách quan của tội "Che giấu tội phạm" nếu tội phạm được che giấu thuộc các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 389. Ngoài ra, người có hành vi trên phải thỏa mãn dấu hiệu “không hứa hẹn trước”. Đây là dấu hiệu phân biệt với người phạm tội có vai trò đồng phạm nếu hứa hẹn trước sẽ che giấu tội phạm.
Ảnh minh họa.
Chủ thể
Chủ thể của tội "Che giấu tội phạm" là chủ thể thông thường. Chỉ cần đáp ứng điều kiện về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (cụ thể là từ đủ 16 tuổi trở lên) và không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 389, chủ thể của tội phạm này phải “không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 BLHS”. Khoản 2 Điều 18 là trường hợp che giấu tội phạm nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự do có mối quan hệ đặc biệt thân thiết giữa người che giấu và người được che giấu. Đây là dấu hiệu mới được bổ sung trong BLHS, cụ thể gồm: ông, bà (nội hoặc ngoại); cha, mẹ (đẻ hoặc nuôi); con (đẻ hoặc nuôi), cháu; anh chị em ruột (cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha), vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, khi tội phạm được che giấu là tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhất định thì nghĩa vụ pháp lý phải được đặt lên trên nghĩa vụ đạo đức nên không được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan
Bản thân hành vi che giấu đã thể hiện lỗi của chủ thể là cố ý, chủ thể nhận thức rõ hành vi mà mình quyết định thực hiện là hành vi có khả năng che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật hoặc hành vi của mình có khả năng cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Mặc dù nhận thức được nhưng chủ thể vẫn quyết định thực hiện hành vi.
Một số bất cập và kiến nghị
Phạm vi chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự còn hẹp
Theo quy định, những người có quan hệ thân thích được loại trừ trách nhiệm hình sự khi che giấu tội phạm. Việc này là cần thiết và có cơ sở, tuy nhiên về phạm vi hiện nay chỉ quy định cho phép: ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng. Đây là những quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng và hôn nhân. Trong khi đó, trên cơ sở truyền thống, đạo đức, phong tục tập quán của người Việt, có những mối quan hệ khác rất gần gũi, mật thiết đối với một người như ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột của vợ, chồng. Trong những mối quan hệ này, mức độ gần gũi, thân thiết và “trách nhiệm, đạo đức” gần như ngang bằng so với trường hợp đã được pháp luật loại trừ trách nhiệm hình sự. Xem xét một số lĩnh vực khác như phòng, chống tham nhũng, hôn nhân gia đình… thì các mối quan hệ nói trên vẫn được công nhận. Chưa hết, BLTTHS 2015 quy định tại khoản 1 Điều 4 như sau: “Người thân thích…. Là người có mối quan hệ với người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột”. Như vậy, rõ ràng ngay giữa BLHS và BLTTHS cũng không có sự đồng bộ. Ví dụ trong một trường hợp A (đã có vợ) phạm tội giết người nhưng sau khi biết được cả B (bố đẻ) và C (bố vợ) của A cùng thực hiện hành vi che giấu, cả hai bàn bạc với nhau và cho A tiền, chỉ đường và dựng lán cho A lên rừng trốn. Trường hợp này, do là bố đẻ nên B không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn C bố vợ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xét ở nhiều khía cạnh, việc này chưa thật sự phù hợp.
Nghiên cứu rộng thêm có thể thấy quy định về không tố giác tội phạm tại Điều 390, Điều 19 BLHS cũng quy định tương tự tội "Che giấu tội phạm", tức chủ thể được loại trừ chỉ dừng lại ở ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, cọ hoặc chồng. Có thể đây là quy định đã được nghiên cứu kỹ trước khi ban hành, bảo đảm sự thống nhất và có những lý do được đưa ra để loại trừ những mối quan hệ “thân thích khác”. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh đạo đức xã hội, khía cạnh tình cảm, trách nhiệm của những chủ thể đó, tác giả cho rằng vẫn cần thiết phải bổ sung thêm cho đầy đủ, toàn diện.
Định tội danh còn nhầm lẫn
Trong thực tiễn xét xử, một số tình huống vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Đối với tình huống một người có hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, có ý kiến cho rằng hành vi đó rõ ràng là chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cũng có ý kiến cho rằng hành vi đó là che giấu tội phạm thuộc trường hợp che giấu tang vật. Thực tiễn xét xử cho thấy hiện nay hành vi che giấu tài sản do người khác phạm tội có được đều bị truy cứu về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, rất ít trường hợp xem xét tội "Che giấu tội phạm". Tuy nhiên, rõ ràng việc chứa chấp tài sản có thể thuộc trường hợp chứa chấp để nhằm che giấu tang vật, giúp người phạm tội "Che giấu tội phạm". Do đó, tác giả cho rằng cần chứng minh ý thức, mục đích, động cơ của người chứa chấp.
Tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 389 BLHS:
Khoản 2 Điều 389 quy định: “Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội…”. Từ quy định chúng ta có thể thấy rằng có hai trường hợp là lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm và lợi dụng chức vụ thực hiện hành vi bao che người phạm tội. Về chức vụ, quyền hạn, có quan điểm cho rằng đây phải là chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp bởi vì tội phạm này được quy định trong chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, tác giả cho rằng cần hiểu chức vụ, quyền hạn theo nghĩa rộng, tức là bất kỳ chức vụ, quyền hạn nào được người đó lợi dụng để thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi… để thực hiện các hành vi trên. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý ở đây là BLHS lại nêu rõ 02 trường hợp là cản trở việc phát hiện tội phạm và bao che người phạm tội. Trong khi đó, ở mặt khách quan ở tội phạm này chúng ta đã phân tích có nhiều hành vi gồm che giấu người phạm tội; che giấu tang vật; che giấu dấu vết tội phạm và cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Rõ ràng so với 04 nhóm hành vi này thì 02 nhóm hành vi được nêu ở khoản 2 là chưa đầy đủ. Do đó, cần sửa đổi khoản 2 theo hướng “Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì bị phạt….”.
Tác giả bài viết: Văn Linh-TAQS Khu vực Hải Quân ; Đình Thái - TAQS Khu vực Quân khu 4
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn