Bàn về người có quyền kháng cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Thứ sáu - 01/11/2024 22:00

(Luật Pháp Lý) - Bản án, quyết định hình sự sơ thẩm sau khi tuyên, ban hành sẽ không có hiệu lực pháp luật ngay mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Kháng cáo là một quyền được quy định cho các chủ thể nhất định để đề nghị cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm. Thẩm quyền kháng cáo được quy định cụ thể tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Tuy nhiên, quy định này vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu hoàn thiện.

1. Thẩm quyền kháng cáo bản án, quyết định hình sự sơ thẩm

BLTTHS năm 2015 quy định người có quyền kháng cáo như sau:

“Điều 331. Người có quyền kháng cáo

1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội”.

Quy định trên đã rất rõ ràng những người nào có quyền kháng cáo bao gồm bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại, người bào chữa (trong một số trường hợp), nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (trong một số trường hợp) và người được Tòa án tuyên không có tội. 

Về phạm vi thực hiện quyền kháng cáo, có thể chia thành ba trường hợp:

- Kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định.

- Kháng cáo một phần bản án, quyết định.

- Kháng cáo về căn cứ xác định không có tội.

Trong các chủ thể có quyền kháng cáo, có chủ thể kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nhưng có những chủ thể kháng cáo là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên, cả hai trường hợp kháng cáo đều có chung hệ quả pháp lý là dẫn đến việc xét xử phúc thẩm.

Ảnh minh hoạ.

2. Một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện

Thứ nhất, người kháng cáo là người đại diện của bị cáo, bị hại.

Người đại diện của bị cáo, bị hại được quy định có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định hình sự sơ thẩm. Tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, người đại diện của bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo “phải là người đại diện theo pháp luật” (trừ trường hợp người đại diện của bị hại chỉ kháng cáo phần bản án, quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện). Trong khi đó, đối với người đại diện của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì cả người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền đều có quyền kháng cáo. Quy định này tạo nên sự không thống nhất, cũng như thu hẹp phần nào quyền kháng cáo của người đại diện của bị cáo, bị hại. Trong trường hợp người đại diện của bị cáo, bị hại tham gia phiên tòa là người đại diện theo ủy quyền, thì họ lại không có quyền kháng cáo để bảo vệ cho bị cáo, bị hại.

Chưa hết, trường hợp bị cáo, bị hại có nhiều người đại diện theo pháp luật và giữa những người này không cử ra một người đại diện tham gia phiên tòa. Lúc này, tất cả những người này đều được xác định là người đại diện của bị cáo, bị hại, đều tham gia phiên tòa nhưng có người kháng cáo, có người không kháng cáo. Tại Nghị quyết 05 nêu trên, mục 1.4 Điều 1 đã quy định về trường hợp bị hại có nhiều người đại diện theo pháp luật thì phân biệt như sau:

"b) Trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố hoặc tại phiên toà sơ thẩm những người này chưa cử ai trong số họ thay mặt họ làm người đại diện hợp pháp của người bị hại, mà người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ do một hoặc một số người trong số họ tự nhận, nếu sau khi xét xử sơ thẩm có người trong số những người chưa cử người đại diện có đơn với nội dung khiếu nại bản án sơ thẩm hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án thì xử lý như sau:

b.1) Nếu nội dung đơn của họ phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng, thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung;

b.2) Nếu nội dung đơn của họ không phù hợp với nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng hoặc người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng không kháng cáo và trong vụ án còn có những người tham gia tố tụng khác kháng cáo, Viện Kiểm sát kháng nghị, thì khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm về phần có liên quan mà họ có khiếu nại hoặc xin xét xử phúc thẩm vụ án để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng (chưa đưa họ vào tham gia tố tụng khi quyền, lợi ích của họ xung đột với quyền, lợi ích của người đại diện hợp pháp đã tham gia tố tụng);

b.3) Nếu trong vụ án không có ai kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì đơn của họ được coi là đơn khiếu nại đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Trong trường hợp này bản án hoặc quyết định sơ thẩm sẽ được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm".

Quy định này cho phép tất cả người đại diện đều có quyền kháng cáo. Nhưng nếu người đại diện không tham gia tố tụng, thì đơn kháng cáo của họ sẽ được xem xét tùy vào nội dung kháng cáo có trùng với ý chí của người đại diện đã tham gia tố tụng hay không. Quy định này chỉ giải quyết đối với trường hợp người kháng cáo là người “chưa được đưa vào tố tụng”. Còn trường hợp tất cả người đại diện đã được đưa vào tố tụng, nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, tại phiên tòa những người này vẫn chưa cử được một người đại diện, sau đó có người kháng cáo, có người không thì xử lý như thế nào?

Nếu hiểu về nguyên tắc, BLTTHS quy định “người đại diện của bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo” thì bất kỳ người đại diện nào cũng có quyền này nên khi một trong số nhiều người đại diện kháng cáo thì vẫn được xem xét theo quy định. Tuy nhiên, việc Nghị quyết 05 không quy định về trường hợp này khiến không ít người băn khoăn khi thực hiện.

Do đó, cần bổ sung quy định cho phép người đại diện theo ủy quyền được quyền kháng cáo và hướng dẫn về trường hợp này vào Nghị quyết 05.

Thứ hai, quyền kháng cáo của người bào chữa.

Điều 331 BLTTHS nêu rõ: “Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa”. Có nghĩa, người bào chữa chỉ được quyền kháng cáo khi họ tham gia bào chữa cho người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Còn nếu người được bào chữa không thuộc một trong hai trường hợp trên, người bào chữa không có quyền kháng cáo.

Tuy nhiên, đối với vụ án có bị cáo bỏ trốn, bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử vắng mặt, mặc dù không phải người dưới 18 tuổi, không có nhược điểm về tâm thần và thể chất nhưng thuộc diện phải chỉ định người bào chữa. Theo quy định hiện hành thì trường hợp này, người bào chữa không có quyền kháng cáo. Tác giả cho rằng, cần bổ sung quy định cho phép người bào chữa của bị cáo bị xét xử vắng mặt có quyền kháng cáo bởi lẽ việc này không làm mất đi quyền kháng cáo của bị cáo.

Trường hợp này, bị cáo bị xét xử vắng mặt, nếu người bào chữa không có quyền kháng cáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được bào chữa. Mặc dù bị cáo bỏ trốn, nhưng việc này không làm mất đi, cũng không ảnh hưởng hay trở thành lý do để cản trở, làm suy giảm quyền bào chữa của họ. Đồng thời, thực tế cũng có bản án sơ thẩm đã tuyên quyền kháng cáo cho người bào chữa của bị cáo bị xét xử vắng mặt để bảo đảm quyền cho họ.

Thứ ba, quyền kháng cáo của người được Tòa án tuyên không có tội.

Đối với người được Tòa án tuyên không có tội, người này có quyền kháng cáo “về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định họ không có tội”. Ví dụ, theo Nghị quyết 05, Nguyễn Văn A. không thực hiện hành vi trái pháp luật, song Toà án cấp sơ thẩm lại nhận định Nguyễn Văn A có thực hiện hành vi trái pháp luật, nhưng chưa đến mức cấu thành tội phạm (hoặc không cần truy cứu trách nhiệm hình sự). Trong trường hợp này Nguyễn Văn A. có quyền kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa lại phần nhận định của bản án sơ thẩm cho đúng với sự thật khách quan của vụ án.

Như vậy, người này chỉ được kháng cáo phần căn cứ mà Tòa án đã dùng làm căn cứ tuyên họ không có tội mà không có quyền kháng cáo toàn bộ bản án. Bản án là văn bản tố tụng bao gồm nhiều nội dung để giải quyết toàn diện vụ án, trong đó các phần đều có liên quan đến người bị buộc tội. Nếu không cho phép họ kháng cáo các phần khác như xử lý vật chứng, vấn đề dân sự, biện pháp tư pháp thì sẽ không bảo đảm hết quyền và lợi ích của họ.

Ví dụ, mặc dù được tuyên không có tội, nhưng phần dân sự hoàn toàn có thể buộc bồi thường, hay xử lý vật chứng có thể tịch thu tài sản của người đó. Bản thân họ cho rằng họ không thực hiện hành vi phạm tội, lúc này đương nhiên không có nghĩa vụ bồi thường hay tịch thu tài sản, nhưng họ vẫn không có quyền kháng cáo.

Do đó, cần sửa đổi quy định tại khoản 6 Điều 331 BLTTHS theo hướng “Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội và những phần khác có liên quan đến họ”.

Thứ tư, về chồng chéo, mâu thuẫn ý chí trong kháng cáo.

Từ quy định về chủ thể có quyền kháng cáo, có thể thấy đối với bị cáo, bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì cả bản thân họ, người đại diện (có thể gồm nhiều người đại diện) và người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đều có quyền kháng cáo. Quyền kháng cáo của các chủ thể này là độc lập với nhau, việc thực hiện quyền của từng chủ thể không bị ảnh hưởng bởi các chủ thể còn lại, điều này tạo nên một phạm vi chủ thể kháng cáo rất rộng. Tác giả cho rằng việc này là chồng chéo và mâu thuẫn ý chí trong kháng cáo khi có người kháng cáo, có người không đồng ý với việc kháng cáo của người đó. Chẳng hạn, người bào chữa kháng cáo, nhưng bị cáo và người đại diện lại không kháng cáo và thể hiện quan điểm không đồng ý với việc kháng cáo của người bào chữa. Nhưng bởi vì pháp luật quy định, nên việc kháng cáo của người bào chữa vẫn đúng và thủ tục phúc thẩm được tiến hành. Điều này xét ở khía cạnh ý chí, quyền định đoạt của bị cáo, người đại diện của họ là không phù hợp.

Do đó, đề xuất cần nghiên cứu quy định nhằm hạn chế tình trạng này theo hướng: Đối với bị cáo, bị hại, đương sự từ đủ 16 tuổi trở lên thì việc kháng cáo của người đại diện, người bào chữa cần phù hợp với ý chí của họ. Đối với bị cáo, bị hại, đương sự dưới 16 tuổi và người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì việc kháng cáo của người bào chữa cần phù hợp với ý chí của người đại diện.

Tác giả bài viết: VĂN LINH - Tòa án Quân sự khu vực Hải quân

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây