Được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn

Thứ hai - 30/09/2024 23:06
(Luật Pháp Lý) -  Sau khi nghiên cứu bài viết “Có được áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án ly hôn?” của tác giả Nguyễn Huy Hoàng – Nguyễn Thị Hồng đăng ngày 10/6/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai trong bài viết và phân tích làm rõ thêm các căn cứ.

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 316 BLTTDS 2015 có giải thích “Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật”.

Theo đó, khi áp dụng thủ tục rút gọn phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 317 BLTTDS 2015 như sau:

- Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

- Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

- Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

Như vậy, theo quy định của BLTTDS năm 2015, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn trước hết cũng là một thủ tục tố tụng nhưng có trình tự đơn giản hơn so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường. Hay nói cách khác, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là thủ tục tố tụng dân sự thông thường đã được giản lược (rút gọn) một số trình tự. Thủ tục tố tụng dân sự rút gọn chỉ được áp dụng để giải quyết các vụ án dân sự khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Mục đích của việc áp dụng thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

Thứ hai, đối với các vụ án ly hôn là một trong những vụ án dân sự cho nên khi phát sinh tranh chấp nếu các vụ án đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 316 BLTTS 2015 thì sẽ áp dụng thủ tục rút gọn nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án so với thời gian giải quyết theo thủ tục thông thường nhưng vẫn bảo đảm việc giải quyết vụ án đúng pháp luật dựa trên cơ sở tranh chấp có chứng cứ rõ ràng, nội dung tranh chấp đơn giản, tài sản tranh chấp có giá trị không lớn…

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS quy định: đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình… được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, việc áp dụng pháp luật trọng việc giải quyết các vụ án ly hôn theo thủ tục rút gọn đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp về dân sự mà vẫn bảo đảm trình tự tố tụng tối thiểu; giảm nhẹ đáng kể thời gian, công sức, chi phí vật chất cho hoạt động tố tụng của Tòa án và của các đương sự.

Tác giả bài viết: TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây