Một khi tranh chấp xảy ra, cơ quan xét xử có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau dẫn đến quyền lợi của các bên bị ảnh hưởng. Nhằm giải quyết vướng mắc nêu trên, trong dự thảo của Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về đặt cọc đã đưa ra hai phương án về việc phạt cọc để lấy ý kiến.
1. Quy định về đặt cọc trong BLDS 2015
Biện pháp bảo đảm bằng đặt cọc xuất hiện từ rất sớm và sử dụng phổ biến do sự đơn giản, cũng như chức năng của đặt cọc mang lại trong các giao dịch dân sự. Dưới góc độ của BLDS 2015, đặt cọc được mô tả là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng (khoản 1 Điều 328).
Về cơ chế thực hiện, trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Trường hợp nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 328).
Như vậy, biện pháp đặt cọc có thể được các bên thỏa thuận sử dụng không những như một biện pháp nhằm bảo đảm việc giao kết hợp đồng mà còn là dưới tư cách của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. So với nhiều quốc gia, pháp luật Việt Nam tiếp cận đặt cọc với hai đặc trưng sau: không giới hạn mức đặt cọc (so với giá trị nghĩa vụ hoặc hợp đồng) và cho phép các bên có “thỏa thuận khác” liên quan đến vấn đề phạt cọc. Việc cho các bên có thỏa thuận khác, đồng nghĩa với việc pháp luật cho phép các bên trong hợp đồng đặt cọc đưa ra mức phạt cọc gấp nhiều lần so với số tiền đặt cọc hoặc tương tự ở chiều hướng ngược lại - các bên có thể thỏa thuận về việc chỉ mất đi một số tiền nhỏ hơn số tiền mà bên đặt cọc đã đặt cọc.
2. Từ tình huống phạt cọc gấp “10 lần” và sự thiếu thống nhất trong thực tiễn xét xử
Thực tiễn cho thấy, không ít trường hợp các bên thỏa thuận về việc phạt cọc gấp nhiều lần số tiền đặt cọc (hai, ba hoặc thậm chí mười lần) nhằm bảo đảm cho việc giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Khi tranh chấp xảy ra, không ít trường hợp cơ quan xét xử đưa ra các cách tiếp cận khác nhau trong việc xử lý các trường hợp này. Chính điều này gây ra sự lúng túng, thiếu ổn định trong thực tiễn áp dụng quy định về mức phạt cọc. Lấy một ví dụ về việc các bên thỏa thuận với nhau về việc phạt cọc số tiền gấp 10 lần số tiền đặt cọc, tuy nhiên, ở mỗi Tòa án lại có các cách hiểu và áp dụng khác nhau. Điển hình, trong một phán quyết khác, Hội đồng xét xử đã lập luận chấp nhận với mức phạt cọc lên đến 10 lần số tiền đặt cọc: “Tuy nhiên, giữa chị Đ và anh H, chị K đã thỏa thuận số tiền đặt cọc 100.000.000 đồng và bồi thường tiền cọc gấp 10 lần số tiền đặt cọc là 1.000.000.000 đồng, đây là sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên không trái pháp luật nên có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Đ về mức phạt cọc theo thỏa thuận, để buộc anh H, chị K trả lại tiền cọc và bồi thường tiền cọc cho chị Đ theo mức thỏa thuận này tương ứng với tỷ lệ 1/2 phần lỗi của anh H chị K, không chấp nhận yêu cầu của chị Đ về 1/2 số tiền phạt cọc tương ứng với 1/2 phần lỗi của chị Đ là phù hợp”[1]. Tương tự trong một bản án khác, Hội đồng xét xử đã lập luận theo hướng chấp nhận việc thỏa thuận phạt cọc của các bên: “Theo quy định trên thì việc nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận bằng văn “nếu bên bán thay đổi ý hợp đồng sẽ bồi thường gấp 10 lần theo hợp đồng đã ký” việc thỏa thuận này là hoàn toàn phù hợp với khoản 2 Điều 358 BLDS 2005 và Điều 328 BLDS 2015, tức là bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” như vậy việc nguyên và bị đơn có thỏa thuận nếu bên bán thay đổi thì chịu bồi thường 10 lần theo hợp đồng, cho nên việc thỏa thuận này là “trường hợp có thỏa thuận khác” nên không trái pháp luật, cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả 10 lần số tiền theo yêu cầu của nguyên đơn lấy móc số tiền đặt cọc 40.000.000 đồng làm chuẩn là có cơ sở”[2]. Như vậy, theo Hội đồng xét xử ở cả hai vụ việc, việc pháp luật cho phép các bên thỏa thuận khác về việc phạt cọc và thỏa thuận này nếu không trái pháp luật và hoàn toàn tự nguyện thì sẽ được công nhận.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, việc các bên thỏa thuận về mức phạt cọc gấp 10 lần số tiền đặt cọc lại không được chấp nhận, dù rằng Tòa án cũng không có nêu cụ thể cơ sở để từ chối yêu cầu khởi kiện. Lấy ví dụ trong một tranh chấp, Hội đồng xét xử đã nhận định: “Ngoài ra trong hợp đồng cũng thể hiện rõ bên B (tức bên ông Th, bà Đ) có nghĩa vụ trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền bằng 10 lần số tiền đặt cọc cho bên A (tức bên ông T, bà O) trong trường hợp bên B từ chối việc giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự đã thỏa thuận và theo Tòa án việc 2 bên thỏa thuận phạt cọc gấp 10 lần là vi phạm Điều luật đã viện dẫn. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền phạt cọc gấp 10 lần tiền cọc là không có căn cứ để chấp nhận”[3]. Như vậy, Hội đồng xét xử đã cho rằng việc thỏa thuận phạt cọc gấp 10 lần là trái với quy định tại Điều 328 BLDS 2015, do đó, yêu cầu này không có căn cứ để chấp nhận.
Xuất phát từ việc thiếu thống nhất trong xét xử nêu trên, có thể thấy, việc đưa ra phương hướng thống nhất cho việc kiến nghị về mức phạt cọc là cần thiết, tránh trường hợp việc đặt cọc trở thành một biện pháp dễ dàng bị các bên lợi dụng trong việc trục lợi thông qua việc phạt cọc.
Hiện nay, dự thảo có lấy ý kiến về 2 phương án:
Phương án 1: Bên đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Dân sự.
Phương án 2: Bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có thể thỏa thuận mức tiền phạt cọc khác với mức “một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc” quy định tại khoản 2 Điều 328 của Bộ luật Dân sự nhưng không vượt quá năm lần mức tiền đặt cọc.
Trường hợp bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc thỏa thuận về mức phạt cọc vượt quá năm lần giá trị tài sản đặt cọc khi giải quyết tranh chấp, Tòa án chỉ chấp nhận phạt cọc bằng năm lần mức tiền đặt cọc.[4]
3. Góc nhìn từ pháp luật so sánh và giải pháp cho pháp luật Việt Nam
Về tổng quan, pháp luật của nhiều quốc gia không xem đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ truyền thống. Mà theo đó, đặt cọc mang bản chất là một hình thức đặc biệt của điều khoản dự phạt trong hợp đồng mua bán. Trong đó, chế tài cho sự rút lại dự định giao kết hay hủy bỏ hợp đồng là bên đã giao mất tài sản hoặc bên nhận phải hoàn lại gấp đôi tài sản đã nhận[5].
Ví dụ, theo BLDS Pháp, trường hợp hứa bán được xác lập có kèm theo tiền đặt cọc, mỗi bên đều có thể từ bỏ lời hứa. Bên trao tiền đặt cọc phải mất tiền cọc và bên nhận tiền đặt cọc phải trả lại gấp đôi (Điều 1590 BLDS Pháp 1804). Trước đây, tại BLDS 1972 của Chính quyền Sài Gòn cũng có quy định tương tự rằng: Trong trường hợp người mua đã đưa tiền cọc trước cho người bán để bảo đảm lời hứa của mình, mỗi bên đều có thể hủy bỏ lời hứa bằng hai cách: người đã trao tiền cọc bị mất số tiền ấy, người đã nhận tiền phải hoàn lại gấp đôi (Điều 985). Tương tự tại Nhật Bản, trong hợp đồng mua bán tài sản, trường hợp bên mua trả trước một khoản đặt cọc trong một giao dịch mua bán, bên mua có thể hủy hợp đồng bằng cách bỏ khoản tiền đặt cọc mà bên mua đã bỏ, ngược lại, bên bán cũng có thể hủy hợp đồng bằng cách hoàn trả lại gấp đôi khoản tiền cọc đã nhận (Điều 577). BLDS Bang Lousiana, Điều 2624 cũng đưa ra hướng giải quyết tương tự và không quy định về việc các bên có thể tự thỏa thuận.
Như vậy, pháp luật của nhiều quốc gia chỉ cho phép phạt cọc gấp đôi số tiền đặt cọc nhằm bảo đảm sự công bằng cho cả hai bên và không quy định về việc cho phép các bên thỏa thuận về mức phạt cọc ngoài mức được ấn định. Bên cạnh đó, pháp luật các nước không can thiệp vào số tiền phạt cọc theo thỏa thuận phạt cọc, mà pháp luật chỉ nên đưa ra hướng cảnh báo của luật đối với số tiền phạt cọc của các bên, trừ trường hợp điều này vi phạm điều cấm của luật (lãi suất quá cao) hoặc trật tự xã hội. Điển hình theo pháp luật Trung Quốc, các đương sự có thể tự do thỏa thuận nhưng nhưng không được vượt quá 20% mức của đối tượng hợp đồng chính, phần vượt quá sẽ không phát sinh hiệu lực (Điều 586).
Như vậy, lựa chọn mà pháp luật nhiều quốc gia đều thống nhất đó là xác định mức phạt cọc cụ thể, thông thường là tương đương với số tiền đặt cọc để tạo ra cơ chế công bằng cho các bên trong giao dịch. Điều này có thể được giải thích nhằm tránh trường hợp lợi dụng việc đặt cọc và phạt cọc để che giấu cho các giao dịch khác, đặc biệt là cho vay lãi nặng của các bên trên thực tế, từ đó gây ra sự bất ổn cho xã hội (dễ hiểu bởi lẽ việc phạt cọc gấp nhiều lần thông thường đa phần chỉ áp dụng cho riêng bên nhận đặt cọc. Còn đối với bên đặt cọc, nếu thỏa thuận việc phạt cọc gấp nhiều lần số tiền đặt cọc thì dường như không khả thi trên thực tế).
Về phần pháp luật Việt Nam, điểm đáng chú ý là pháp luật Việt Nam hiện nay đã tạo ra cơ chế mở cho sự tự do thỏa thuận của các bên trong việc cho phép các bên thỏa thuận về mức phạt cọc. Do đó, tùy vào tính chất của giao dịch mà các bên có thể thỏa thuận về việc phạt cọc gấp nhiều lần hoặc ít hơn số tiền đặt cọc nhằm bảo đảm cho việc giao kết, thực hiện hợp đồng một cách hiệu quả, điều này phù hợp với các nguyên tắc chung của BLDS 2015 (Điều 3). Dù vậy, việc quy định về việc cho các bên thỏa thuận “mức phạt cọc” nhưng lại không có các quy định nhằm hạn chế đã gây ra nhiều vướng mắc trên thực tiễn[6] và việc hướng đến điều chỉnh mức giới hạn này là cần thiết. Song, phương án 2 trong dự thảo tại Nghị quyết đưa ra mức phạt cọc tối đa gấp năm lần dường như là chưa phù hợp trong khung cảnh luật thực định. Bởi lẽ, BLDS không hạn chế về mức phạt cọc mà để các bên tự thỏa thuận. Trên tinh thần tự do thỏa thuận hợp đồng, các bên có quyền tự do quyết định về mức phạt cọc này. Do đó, việc các bên tự nguyện và tự do thỏa thuận nên được pháp luật tôn trọng. Hơn nữa, việc thỏa thuận nêu trên cũng không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội.
Tóm lại, hướng hoàn thiện pháp luật trong tương lai đó là cần phải giới hạn mức đặt cọc và phạt cọc giữa các bên. Tuy nhiên, việc xác định về mức phạt cọc như thế nào là phù hợp để bảo đảm được quyền của hai bên, cũng như tránh việc lạm dụng quy định này để trục lợi thì việc sửa đổi các quy định trong BLDS 2015 về đặt cọc là cần thiết trong thời gian tới.
Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn