Tại đề xuất quản lý và sử dụng KOL (Key Opinion Leader - người có tầm ảnh hưởng) được Bộ TT&TT đưa ra, đáng chú ý có nội dung đề xuất bổ sung các quy định về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo; phân biệt quảng cáo với nội dung thông tin khác; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận trên mạng xã hội về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm; yêu cầu các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được hoạt động quảng cáo, livestream quảng cáo...
Thực tế, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP đang được trình Chính phủ, Bộ TT&TT đã bổ sung những quy định chặt chẽ hơn để quản lý hoạt động livestream trên mạng xã hội, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xác thực tài khoản, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin.
Ảnh minh họa.
Trong công văn phúc đáp Bộ VH-TT&DL, đề nghị sửa đổi, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, nhằm bổ sung hoàn thiện quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cho phù hợp với thực tế, tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, người nổi tiếng, KOL, KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường), người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội; Bộ TT&TT cũng đưa ra khái niệm: "Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo, giới thiệu, khuyến nghị, chứng thực, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua các hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự. Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có thể nhận được tiền thù lao, tiền hoa hồng, sản phẩm, dịch vụ hoặc các hình thức tài trợ và quyền lợi thương mại khác từ việc quảng cáo".
Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, theo đó “khi quảng cáo trên mạng xã hội, phải thực hiện phân biệt nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung, thông tin có mục đích quảng cáo bằng cách tự đưa ra dấu hiệu, nội dung dễ nhận biết hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp".
Đề xuất hạn chế hình ảnh nghệ sĩ, KOL có hành vi lệch chuẩn
Trước đó, tại họp báo thường ký tháng 5 của Bộ TT&TT ngày 13/5, một trong những vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm là cơ quan Nhà nước sẽ có động thái xử lý ra sao đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Lê Quang Tự Do (Bộ TT&TT) cho biết, hiện tất cả các hành vi của công dân, bao gồm nghệ sĩ, người nổi tiếng đều đã có quy định pháp luật về chế tài xử lý kèm theo.
Những năm gần đây, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các Sở TT&TT tăng cường chủ động xử lý đối với các trường hợp này. Do vậy, nhiều đối tượng nghệ sĩ, KOL, KOC, phóng viên, nhà báo đăng tải thông tin sai sự thật đã bị xử lý.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, với một bộ phận người dân, nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng với công chúng, việc xử lý vi phạm hành chính hiện chưa đủ sức răn đe. Do đó, Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ VH-TT&DL để có những chế tài xử lý khác. Bộ TT&TT đề xuất theo hướng hạn chế sự xuất hiện hình ảnh biểu diễn của những nghệ sĩ này.
Tác giả bài viết: QUÝ NGUYỄN (t/h)
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn