Khi có tranh chấp tại Tòa án, tức là khi một bên cho rằng bên kia đã vi phạm thỏa thuận về phân chia tài sản mà hai bên đã xác lập trước đó, khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định tài sản nào đó là của mình, thì nhiều Tòa án hướng dẫn cho người khởi kiện phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo hướng yêu cầu chia tài sản chung. Nếu người khởi kiện không thực hiện hướng dẫn này của Tòa án, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
1. Một trường hợp điển hình
Năm 2022, bà Phạm Thanh M và ông Võ Văn V được Tòa án giải quyết việc ly hôn và nuôi con. Riêng về việc phân chia tài sản, hai bên tự thỏa thuận, mà không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tháng 4 năm 2024, ông V khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận ông có quyền sử dụng đối với một thửa đất, nguyên là tài sản chung của ông V và bà M khi hai người đang là vợ chồng và có quyền sở hữu đối với ngôi nhà được xây dựng trên thửa đất nói trên. Lý do ông V đưa ra yêu cầu đó là vào năm 2022, trong thời gian Tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp ly hôn và nuôi con giữa ông với bà M, hai người đã thỏa thuận việc phân chia tài sản chung vợ chồng, cụ thể ông được quyền sở hữu, sử dụng nhà đất; bà M được sở hữu ô tô, xe máy và một số tài sản khác và được nhận từ ông số tiền 1.000.000.000 đồng, là tài sản riêng của ông do ông vay mượn từ người thân, bạn bè.
Theo ông V, thỏa thuận trên về cơ bản đã được hai bên thực hiện, một mình ông đã sử dụng nhà đất từ đó đến này, chỉ chưa hoàn thành thủ tục giấy tờ, vì lúc đó ông nghĩ một cách đơn giản là việc này không có gì phức tạp, khi nào làm cũng được, nên không có gì phải vội; còn bà M thì đã chuyển đi nơi khác ở.
Cùng với đơn khởi kiện, ông V cung cấp chứng cứ là tài liệu thể hiện việc ông chuyển cho bà M số tiền 1.000.000.000 đồng và một văn bản trong đó có nội dung là bà M đồng ý chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở từ hai người là ông V và bà M sang cho một mình ông V. Theo ông V văn bản này do chính bà M viết và ký tên. Trong đơn khởi kiện, ông V còn trình bày rõ việc trong thời gian gần đây, bà M thay đổi thái độ, không hợp tác cùng ông để đề nghị Cơ quan chức năng làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà đất từ hai người sang một mình ông, buộc ông phải khởi kiện ra Tòa án để từ đó có thể hoàn thành thủ tục đứng tên nhà đất theo quy định pháp luật.
Tòa án nhận đơn và sau 30 ngày đã có văn bản hướng dẫn ông V phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo hướng yêu cầu chia tài sản chung, nếu không Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
2. Bình luận về hướng dẫn của Tòa án
Tác giả xin có ý kiến bình luận về cách giải quyết trên của Tòa án:
Thứ nhất: Nội dung đơn khởi kiện của ông V thể hiện rõ ông V không có tranh chấp về chia tài sản chung với bà M, không yêu cầu Tòa án giải quyết việc này. Quan điểm của ông V là tài sản chung vợ chồng đã được chia thông qua việc hai bên đã thỏa thuận ai được quyền sở hữu, sử dụng những tài sản cụ thể nào. Tuy vậy Tòa án lại hướng dẫn ông V phải khởi kiện chia tài sản chung vợ chồng, tức là buộc ông V phải thay đổi quan điểm, từ chỗ cho rằng tài sản chung đã được phân chia sang cho rằng tài sản chung chưa được phân chia để yêu cầu Tòa án phân chia, nếu không Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Đây là điều rất bất hợp lý, bởi lẽ Tòa án không thể sử dụng quyền được hướng dẫn người gửi đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà pháp luật cho phép để buộc họ thay đổi quan điểm, từ bỏ yêu cầu khởi kiện của mình, chấp nhận chuyển sang một yêu cầu khởi kiện khác theo sự gợi ý của Tòa án.
Mặt khác, khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 định nghĩa: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Đối chiếu định nghĩa này với trường hợp trên, thì rõ ràng giữa ông V và bà M có tranh chấp về đất đai, cụ thể quan điểm của ông M là chỉ một mình ông có quyền sử dụng đối với thửa đất, bởi trước đó đã có sự thỏa thuận giữa ông với bà M về vấn đề này; còn về phía bà M thì bà không đồng tình với quan điểm trên của ông V, thể hiện ở việc bà không hợp tác trong việc làm thủ tục cho ông V một mình đứng tên đối với thửa đất, tức là bà cho rằng quyền sở hữu, sử dụng nhà đất vẫn thuộc hai người. Theo quy định tại các khoản 2, 9 Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Do đó Tòa án không có bất cứ lý do gì để từ chối giải quyết tranh chấp này, đồng thời hướng dẫn buộc ông M khởi kiện một tranh chấp khác mà thực tế ông không tranh chấp.
Thứ hai: Bản chất của việc Tòa án hướng dẫn ông V sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo hướng yêu cầu chia tài sản chung là Tòa án bác bỏ việc giữa ông và bà M có thỏa thuận chia tài sản chung. Ở đây có hai khả năng, hoặc là Tòa án không tin ý kiến của ông V là giữa ông và bà M có thỏa thuận chia tài sản chung, hoặc là Tòa án không chấp nhận tính pháp lý của thỏa thuận chia tài sản chung giữa ông V và bà M. Và dù khả năng nào xảy ra đi nữa thì đây cũng là một cách xử lý sai lầm, vì vấn đề này thuộc về nội dung tranh chấp, phải áp dụng luật nội dung để giải quyết và phải được xem xét bằng một Hội đồng xét xử, sau khi đã thụ lý vụ án, thu thập chứng cứ, chứ không thể một mình Thẩm phán được giao xem xét thụ lý đơn khởi kiện quyết định được. Khi xét xử Tòa án có quyền không chấp nhận nội dung khởi kiện, tuyên nhà đất vẫn đang là tài sản chung vợ chồng, nếu quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án thể hiện không có thỏa thuận chung về việc chia tài sản chung giữa ông V và bà M hoặc quan điểm của Tòa án là không chấp nhận tính pháp lý của thỏa thuận phân chia tài sản chung giữa hai người.
Như vậy đây thực chất là sự vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, vì đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện mà không thông qua trình tự xét xử.
Thứ ba: Trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam, có một nguyên tắc rất quan trọng, đó là mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Nguyên tắc này được quy định tại khoản 2 Điều 3 BLDS năm 2015.
Theo tác giả, nguyên tắc này không những cần được quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc khi xem xét giải quyết vụ án về mặt nội dung, mà phải còn trong việc xem xét thụ lý đơn khởi kiện. Cụ thể các tranh chấp được quy định tại các Điều 26, 28, 30, 32 BLTTDS năm 2015 xuất phát từ các cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội của các bên cần được Tòa án xem xét một cách nghiêm túc để thụ lý kịp thời, tránh việc hiểu không đúng, xem nhẹ giá trị của các cam kết này, dẫn đến vi phạm thời hạn xử lý đơn khởi kiện và có những quyết định không đúng, gây khó khăn cho người có đơn khởi kiện như cách giải quyết nói trên của Tòa án.
3. Kiến nghị
Qua thực tiễn công tác, tác giả thấy rằng hiện nay vấn đề nhận, xử lý đơn khởi kiện vụ án dân sự đang là vấn đề bức xúc, nổi cộm. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do năng lực chuyên môn còn có những mặt hạn chế nhất định của đội ngũ làm công tác pháp luật, phần khác là do sự thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề nhận, xử lý đơn khởi kiện. Vì vậy thông qua bài viết này, tác giả xin kiến nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp tăng cường công tác kiểm tra trong lĩnh vực nhận, xử lý đơn khởi kiện ở các Tòa án, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Thẩm phán trong việc xử lý sai hoặc vi phạm thời hạn xử lý đơn khởi kiện, bởi lẽ hiện nay về cơ bản Thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm đối với các bản án bị hủy hoặc cải sửa mà Thẩm phán là thành viên của Hội đồng xét xử vụ án đó.
Tác giả bài viết: HOÀNG QUẢNG LỰC
Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn