Bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm trong trường hợp đương sự chết

Thứ tư - 02/10/2024 03:49
(Luật Pháp Lý) - Đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, sau đó đương sự chết sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo chưa được quy định trong tố tụng dân sự dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau khi thực thi pháp luật.
tan (1)
tan (1)

1. Quyền kháng cáo của đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm

Trong tố tụng dân sự, đương sự trong vụ án dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan1. Quyền và nghĩa vụ của đương sự cũng đã được BLTTDS 2015 quy định, một trong những quyền rất quan trọng đối với họ là được quyền kháng cáo bản án của Tòa án2. Và khi đương sự thực hiện quyền kháng cáo, Tòa án phải có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý đơn kháng cáo theo luật định. Điều này đặc biệt quan trọng khi đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm. Điều 227, Điều 228, Điều 267 BLTTDS 2015 cho phép Tòa án vẫn tiến hành xét xử, tuyên án trong trường hợp đương sự vắng mặt. Tuy nhiên, thủ tục để đương sự thực hiện quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm đối với đương sự vắng mặt tại phiên tòa là 15 ngày, kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết3. Thủ tục niêm yết bản án được thực hiện theo Điều 179 BLTTDS 2015 bao gồm: niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân được cấp, tống đạt, thông báo; niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân được cấp, tống đạt, thông báo. Thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Như vậy, về cơ bản, pháp luật đã quy định tương đối chặt chẽ nhằm bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, bảo đảm cho đương sự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không quy định đối với trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm nhưng họ lại chết sau thời điểm tuyên án và còn trong thời hạn kháng cáo thì việc kháng cáo của đương sự được thực hiện như thế nào.

Tình huống: Ngày 08/3/2024, TAND huyện A xét xử và tuyên án vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn B với bị đơn ông Nguyễn Văn C. Tại phiên tòa ông Nguyễn Văn C vắng mặt. Ngày 10/3/2024, ông Nguyễn Văn C chết. Trước khi ông Nguyễn Văn C chết, Tòa án vẫn chưa thực hiện việc tống đạt bản án cho ông C. Bốn vấn đề đặt ra đó là: (1) Tòa án sẽ thực hiện tống đạt bản án cho ông Nguyễn Văn C như thế nào? (2) Tòa án có xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng đối với ông Nguyễn Văn C hay không? Nếu có thì Tòa án cấp sơ thẩm hay phúc thẩm sẽ có trách nhiệm xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng đối với ông Nguyễn Văn C? (3) Trường hợp, ông Nguyễn Văn C không có người thừa kế thì làm sao để bảo đảm quyền kháng cáo của ông Nguyễn Văn C? (4) Tòa án niêm yết bản án theo trình tự có được xem là hợp lệ không?

2. Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, việc tống đạt, niêm yết bản án cho ông Nguyễn Văn C.

Trước tiên, cần khẳng định việc ông C chết được xem là trở ngại khách quan, một mặt làm cho ông C không thể thực hiện quyền kháng cáo của mình, mặt khác gây khó khăn trong việc Tòa án bảo đảm quyền kháng cáo của ông C. Pháp luật hiện nay không quy định trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, chết sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo như trường hợp ông Nguyễn Văn C nêu trên thì Tòa án thực hiện việc tống đạt bản án như thế nào. Hiện nay dẫn đến các quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, cần tống đạt bản án thông qua người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn C. Hay nói cách khác, bắt buộc phải xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng trước khi tống đạt bản án. Quan điểm khác lại nhận định, Tòa án có thể lựa chọn phương án niêm yết bản án vì pháp luật cho phép Tòa án tống đạt bản án cho đương sự hoặc niêm yết công khai. Khi thực hiện việc niêm yết công khai, hàng thừa kế của ông C sẽ biết vụ án giữa ông B và ông C được Tòa án giải quyết như thế nào, nếu hàng thừa kế cho rằng quyền lợi của ông Nguyễn Văn C là chưa bảo đảm thì có thể thực hiện quyền kháng cáo thay cho ông C.

Thứ hai, việc xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng đối với ông Nguyễn Văn C.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 74 BLTTDS 2015: “Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”. Như vậy, theo quy định này khi ông C chết phải xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông C. Vấn đề sẽ trở nên đơn giản khi ông C chết trước khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, khi đó thẩm quyền xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của C do Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện. Tuy nhiên, đối với trường hợp đặc biệt là C chết sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm hay Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông C. Có quan điểm cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm sẽ thực hiện công việc này vì theo quy định tại khoản 2 Điều 269 BLTTDS 2015 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp”; đồng thời thẩm quyền tiếp nhận và xử lý đơn kháng cáo thuộc về Tòa án cấp sơ thẩm. Quan điểm khác lại cho rằng, về nguyên tắc, sau khi tuyên án, cấp sơ thẩm không còn quyền thu thập thêm tài liệu, chứng cứ, việc xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng là không khách quan mà phải do Tòa án cấp phúc thẩm xác định. Bởi lẽ, vấn đề sẽ trở nên phức tạp khi cấp sơ thẩm xác định không đúng hoặc không đầy đủ người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự để họ thực hiện quyền kháng cáo thay cho đương sự đã chết. Việc xác định không đúng hoặc không đầy đủ có thể dẫn đến việc cấp phúc thẩm hủy án, trong khi pháp luật hiện nay không quy định Tòa án cấp sơ thẩm phải có trách nhiệm xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông C sau khi tuyên án.

Thứ ba, trường hợp ông Nguyễn Văn C không có người thừa kế.

Vấn đề có thể được giải quyết khi ông C chết vào trước thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án. Khi đó, giải pháp có thể được áp dụng là Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 vì thuộc trường hợp “nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông C chết sau thời điểm tuyên án nên không thuộc phạm vi điều chỉnh theo tại điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015; thời diểm ông C chết bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực vẫn còn trong thời hạn kháng cáo. Do không có người thừa kế nên không thể xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự để thực hiện quyền kháng cáo. Đối với cấp phúc thẩm khi chưa có chủ thể kháng cáo thì không có căn cứ thụ lý và giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên, tác giả kiến nghị TANDTC hướng dẫn các vấn đề sau đây:

Một là, hướng dẫn thẩm quyền Tòa án cấp sơ thẩm hay Tòa án cấp phúc thẩm xác định người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, chết sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo. Quan điểm của tác giả, theo hướng Tòa án cấp sơ thẩm sẽ xác định vì đây là chủ thể giao, gửi bản án theo quy định tại khoản 2 Điều 269 BLTTDS 2015 và là chủ thể thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn kháng cáo như ra thông báo nộp tạm ứng án phí phúc thẩm,…

Hai là, hướng dẫn việc tống đạt bản án trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, chết sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo. Quan điểm của tác giả, trong trường hợp này, Tòa án cần tống đạt bản án cho người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự, việc niêm yết là không bảo đảm quyền kháng cáo của đương sự đã chết.

Ba là, cần hướng dẫn cụ thể trường hợp không xác định được người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự vắng mặt tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, chết sau thời điểm tuyên án nhưng còn trong thời hạn kháng cáo thì Tòa án cần xử lý như thế nào? Trường hợp nhiều người kế thừa trong số đó có người không có ở địa phương, không tìm được địa chỉ hoặc đang ở nước ngoài thì xử lý như thế nào? 

 

Tác giả bài viết: ThS. VÕ HOÀNG KHẢI - ThS.NCS. CHÂU THANH QUYỀN (TAND tỉnh Hậu Giang)

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây