Theo VKSNDTC, thực tiễn công tác xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ việc, vụ án hình sự còn nhiều hạn chế, vẫn tồn đọng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, trong đó nhiều vật chứng, tài sản tồn đọng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài, gây tốn kém chi phí đầu tư xây dựng kho bảo quản, thuê kho bảo quản; còn nhiều đơn, thư, tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh, trật tự, thậm chí trong nhiều trường hợp còn liên quan đến vấn đề ngoại giao khi vật chứng là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Mặt khác, nhiều tài sản có giá trị lớn chưa được đưa vào lưu thông, một số vụ việc, vụ án đã áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa hoặc “tạm dừng giao dịch” đối với nhiều tài sản liên quan đến người thân của người bị buộc tội và những người có liên quan nhưng chưa kịp thời xử lý, gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sự phát phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực tiễn này, theo VKSNDTC đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án để bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.
Trong đó đáng chú ý, tại dự thảo Nghị quyết, VKSNDTC đề xuất 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản để cơ quan tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án có thể xem xét, quyết định áp dụng ngay trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.
Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản gồm:
- Xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án;
- Xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch;
- Xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng và tạm giữ tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng để chờ xử lý;
- Xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng;
- Tạm dừng giao dịch và xử lý tài sản tạm dừng giao dịch.
Cụ thể, đối với việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Theo đó, trường hợp, khi vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản để bồi thường thiệt hại mà đã xác định được chủ sở hữu, bị hại, giá trị phải bồi thường, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả lại ngay số tiền đó cho bị hại.
Trong trường hợp, vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ nhưng không thuộc trường hợp thứ nhất, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định gửi tiền thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để bảo quản chờ xử lý.
Riêng với tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm có thời hạn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành phong tỏa tài khoản tiết kiệm này để chờ xử lý.
Trường hợp tiền đã thu giữ, tạm giữ mà chưa xác định được chủ sở hữu hoặc chưa đủ cơ sở xác định là vật chứng và không nhằm mục đích thuộc 2 trường hợp đã nêu, thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định gửi tiền đã thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tác giả bài viết: MINH HIỀN
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn