Tòa án có căn cứ vào biên bản hòa giải để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án?

Thứ hai - 04/11/2024 21:19

(Luật Pháp Lý) - Biên bản hòa giải của Tòa án ghi nhận nội dung nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Sau đó, Tòa án hướng dẫn nhưng nguyên đơn không làm đơn rút yêu cầu khởi kiện. Tòa án có căn cứ vào biên bản hòa giải thể hiện nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự được không?

Giải đáp nội dung này, tại Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ, trường hợp nêu trên thì Tòa án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự và biên bản hòa giải thể hiện nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Ảnh minh họa.

Nếu trong vụ án đó có bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết như sau:

(1) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

(2) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;

(3) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Tòa án nhân dân Tối cao nêu rõ, đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác liên quan (nếu có).

Tác giả bài viết: HỒNG HẠNH

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây