Bàn về vấn đề về cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân và kiến nghị

Thứ năm - 10/10/2024 21:49
(Luật Pháp Lý) - Tác giả bàn về hai vấn đề: (1) quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp của một bên cha hoặc mẹ đối với bên còn lại về việc buộc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và (2) xác định thời điểm cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân của cha hoặc mẹ đối với con.

1. Quy định về cấp dưỡng nuôi con trong pháp luật HNGĐ Việt Nam

Luật HNGĐ năm 2014 định nghĩa: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”([1]).

Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác([2]).

Trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, trong 4 đạo luật về HNGĐ([3]) của nước ta từ 1959 đến nay đều có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn nhưng khác nhau ở cách sử dụng các thuật ngữ để diễn giải về nghĩa vụ này.

Luật HNGD năm 1959 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con tại các Điều 31, 32 và Điều 33, Chương 5 quy định về ly hôn. Luật không dùng thuật ngữ “cấp dưỡng” mà dùng thuật ngữ “phí tổn về việc nuôi nấng và giáo dục con”. Theo đó, vợ chồng đã ly hôn vẫn có mọi nghĩa vụ và quyền đối với con chung. Vợ chồng đã ly hôn phải cùng chịu phí tổn về việc nuôi nấng và giáo dục con, mỗi người tuỳ theo khả năng của mình. Vì lợi ích của con cái, khi cần thiết, có thể thay đổi việc việc góp phần vào phí tổn nuôi nấng, giáo dục con cái. Việc việc góp phần vào phí tổn nuôi nấng và giáo dục con cái sẽ do hai bên thoả thuận giải quyết. Trường hợp hai bên không thoả thuận với nhau được hoặc trong sự thoả thuận xét thấy có chỗ không hợp lý, thì Toà án nhân dân sẽ quyết định.

Luật HNGD năm 1986 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 45 trong Chương 7 quy định về ly hôn. Trong quy định cũng không sử dụng thuật ngữ “cấp dưỡng” mà sử dụng thuật ngữ “phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con”. Luật quy định, sau khi ly hôn “người không nuôi giữ con có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc con và phải đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu trì hoãn hoặc lẩn tránh việc đóng góp, thì Toà án nhân dân quyết định khấu trừ vào thu nhập hoặc buộc phải nộp những khoản phí tổn đó. Vì lợi ích của con, khi cần thiết, có thể thay đổi việc nuôi giữ con hoặc mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Luật HNGĐ năm 2000 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con sau ly hôn tại Điều 56 Chương 6 quy định về cấp dưỡng và Điều 92 Chương 10 quy định về ly hôn. Luật quy định “Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết”.

Luật HNGĐ năm 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn tại Điều 82 và được cụ thể tại Điều 107, Điều 110, từ Điều 116 – 118, Chương VII về cấp dưỡng. Theo đó, sau khi ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được Luật quy định, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định.

Như vậy, trong pháp luật về HNGĐ quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con sau khi ly hôn. Đồng thời nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì những người được Luật HNGĐ quy định có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc người vi phạm thực hiện nghĩa vụ theo quy trình tố tụng dân sự.

2. Một số vấn đề phát sinh, vướng mắc

Như đã phân tích trên đây, Luật HNGĐ quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con và quy định về quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết khi có sự vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi cha, mẹ ly hôn.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành Luật HNGĐ năm 2014 và thực tế hoạt động xét xử lại phát sinh vấn đề như sau: Luật không có quy định về quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của một bên cha hoặc mẹ đối với bên còn lại trong trường hợp bên còn lại không sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con trong thời kỳ hôn nhân. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con có thể thực hiện ngay trong thời kỳ hôn nhân hay không và nếu có thì xác định thời điểm thực hiện nghĩa vụ từ khi nào.

Dưới góc nhìn pháp lý, gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật HNGĐ.

Nghĩa vụ cấp dưỡng là sự thể hiện tình đoàn kết giữa các thành viên trong cùng một gia đình, là nghĩa vụ mà luật áp đặt đối với một thành viên gia đình, theo đó thành viên này phải giúp đỡ thành viên khác, về phương diện vật chất, trong điều kiện thành viên khác sống trong tình trạng túng quẫn và không thể tự mình giải quyết vấn đề ổn định điều kiện sống vật chất của mình hoặc trong trường hợp sau khi ly hôn, vợ chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau nếu người kia thuộc diện được cấp dưỡng([4]).

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cấp dưỡng là một hình thức, hành vi để cha mẹ thực hiện nghĩa vụ đồng thời cũng là quyền của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Mặt khác, “Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con” bản chất là được cụ thể hóa từ quy định “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình([5])”. Có thể nói, việc nuôi dưỡng, chăm sóc con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình cũng chính là trách nhiệm xuyên suốt của cha, mẹ mà không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ.

Tuy nhiên Luật HNGĐ năm 2014 cũng như Luật Trẻ em năm 2016 không đưa ra khái niệm cụ thể về “nuôi dưỡng” cũng như các tiêu chí để xác định một đứa trẻ sẽ được đảm bảo nuôi dưỡng như thế nào để đáp ứng các điều kiện vật chất tối thiểu, phát triển bình thường. Do đó, trên thực tế, mặc dù có nhiều cha, mẹ có hành vi vi phạm nghĩa vụ “nuôi dưỡng” khi đang sống chung với con nhưng cũng không bị buộc phải cấp dưỡng do không có căn cứ([6]).

Như vậy, nếu đã quy định nghĩa vụ và quyền  ngang nhau trong mọi mặt của gia đình nhưng Luật HNGĐ lại chỉ mới quy định về quyền yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn mà lại không quy định quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con ngay cả trong thời kỳ hôn nhân khi một bên không sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nôi dưỡng con là chưa thỏa đáng, không toàn diện và thiếu sót.

Thực tế có vụ việc([7]) yêu cầu Tòa án thụ lý tranh chấp về cấp dưỡng như sau:

Nguyễn Văn A và Nguyễn Thị B có quan hệ là vợ chồng. Quá trình sống chung, anh A và chị B có 3 con chung, trong đó có Nguyễn Văn C bị nhiễm chất độc da cam dioxin, không tự lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Chị Nguyễn Thị B đi làm ăn xa trong nhiều năm, để các con lại cho anh Nguyễn Văn A chăm sóc, nuôi dưỡng, chị Nguyễn Thị B không gửi tiền về để cho anh Nguyễn Văn A nuôi con. Sau một thời gian, chị Nguyễn Thị B trở về địa phương, anh Nguyễn Văn A làm đơn yêu cầu chị Nguyễn Thị B cấp dưỡng nuôi cháu Nguyễn Văn C mức 3.000.000đ/tháng, thời gian cấp dưỡng tính từ khi Tòa án giải quyết xong vụ án cho đến 15 năm sau.

Trường hợp này Tòa án sẽ giải quyết như thế nào thì còn nhiều quan điểm không thống nhất với nhau, gồm 2 vấn đề:

Vấn đề nhứ nhất: Về quyền khởi kiện và thẩm quyền giải quyết vụ án, luật áp dụng.

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng anh Nguyễn Văn A không có quyền khởi kiện chị Nguyễn Thị B cấp dưỡng nuôi con vì họ vẫn đang trong thời kỳ tồn tại một quan hệ hôn nhân, chưa có bản án giải quyết ly hôn hoặc không công nhận là vợ chồng của Tòa án. Trong khi đó, Luật HNGĐ năm 2014 tại Điều 82, Điều 107, Điều 110, từ Điều 116 đến 118 là để áp dụng cho trường hợp sau khi ly hôn. Vì vậy, chưa đủ điều kiện khởi kiện nên Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

+ Quan điểm thứ 2 cho rằng, Luật HNGD năm 2014 có quy định về nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Luật HNGĐ năm 2014 chỉ không có quy định rõ về quyền yêu cầu cấp dưỡng trong thời kỳ hôn nhân cho con chứ không phải không được thực hiện. Và vì khoản 2, Điều 4 BLTTDS năm 2015 có quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Nên trường hợp này Tòa án phải thụ lý và việc giải quyết được thực hiện theo các nguyên tắc do BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 quy định.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ 2 và cho rằng, anh Nguyễn Văn A có quyền khởi kiện yêu cầu chị Nguyễn Thị B cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân vì theo quy định tại Điều 110 của Luật HNGĐ năm 2014 thì chị Nguyễn Thị B có một thời gian “không sống chung với con” và không gửi tiền về cho anh Nguyễn Văn A nuôi con. Điều này đồng nghĩa với việc chị B vi phạm nghĩa vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng con.

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật HNGĐ năm 2014 thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, tức là nghĩa vụ và quyền đối với con luôn đặt ra với cha, mẹ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha và mẹ còn tồn tại hay đã chấm dứt quan hệ vợ chồng hoặc chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng.

Thực tế có nhiều trường hợp cha hoặc mẹ trong thời kỳ hôn nhân chưa chấm dứt, sống chung với con và có chung nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con nhưng lại vi phạm hoặc trốn tránh nghĩa vụ đó thì để bảo đảm cho quyền lợi của con, người còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là phù hợp.

Đồng thời trong trường hợp này khi giải quyết vụ án Tòa án có thể căn cứ vào quy định tại Điều 6 BLDS năm 2016 quy định về áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết tương tự như trường hợp tranh chấp cấp dưỡng cho con sau khi cha, mẹ đã ly hôn.

Vấn đề thứ hai: Xác định thời điểm bắt đầu buộc người vi phạm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Luật HNGĐ năm 2014 chỉ quy định về thời điểm chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 114 mà không quy định thời điểm vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng ly hôn là bắt đầu từ lúc  nào. Vậy Tòa án có ghi thời điểm buộc người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng nuôi con vào quyết định, bản án của Tòa án không. Nếu có thì thời điểm cấp dưỡng nuôi con tính từ lúc nào. Vấn đề này hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên thực tiễn đang có nhiều quan điểm khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp cha, mẹ vẫn đang tồn tại quan hệ hôn nhân thì cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang bằng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Tuy nhiên, đối với trường hợp nêu trên thì cháu Nguyễn Văn C thuộc trường hợp là người tàn tật không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình, mọi công việc chăm sóc ăn, uống vệ sinh cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác.

Xác định thời gian cấp dưỡng nuôi con phải được tính từ khi chị Nguyễn Thị B bỏ đi làm ăn ở xa cho đến khi trở về lại địa phương sinh sống chứ không thể tính trong thời gian 15 năm kể từ khi Tòa án xét xử vụ án như yêu cầu của anh Nguyễn Văn A, vì chị Nguyễn Thị B và anh Nguyễn Văn A vẫn chưa ly hôn, chị Nguyễn Thị B không thể mãi vi phạm về nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc con, và không ai có thể đảm bảo chị Nguyễn Thị B không trở về sống chung cùng với anh Nguyễn Văn A và cùng chăm sóc, nuôi dưỡng con.

Vì vậy, tác giả cho rằng thời điểm xác định buộc cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân được tính kể từ thời điểm bên có nghĩa vụ (chị B) vi phạm nghĩa vụ về cấp dưỡng nuôi con, vi phạm nghĩa vụ tới đâu thì sẽ phải chịu trách nhiệm tới đó chứ không thể tính toán trước và ấn định một khoảng thời gian 10 năm hay 20 năm để buộc bên vi phạm thực hiện. Thời điểm bắt đầu xác định nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp này cũng phù hợp với cách xác định thời điểm tại Án lệ số 62/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua vào các ngày 01, 02, 03 tháng 02/2023 và được công bố theo Quyết định số 39/QĐ-CA ngày 24/02/2023 của Chánh án TANDTC.

Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp tại phiên họp hòa giải mà anh Nguyễn Văn A và chị Nguyễn Thị B đều thống nhất mức cấp dưỡng nuôi con trong thời gian 15 năm như yêu cầu khởi kiện của anh A thì sẽ giải quyết như thế nào ? Việc thỏa thuận này có vi phạm điều cấm của luật, có trái đạo đức xã hội hay không ?

Tác giả cho rằng, trong trường hợp bố, mẹ không ly hôn nhưng không sống chung với nhau thì các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận với nhau về một mức cấp dưỡng phù hợp mà một bên có nghĩa vụ cấp dưỡng không trực tiếp sống cùng và chăm sóc con sẽ phải chuyển giao cho bên còn lại để góp phần vào việc thực hiện nghĩa vụ chung. Khoản cấp dưỡng này có thể giao một lần cho một khoảng thời gian do các bên thỏa thuận (10 năm, 15 năm…) cũng là một thỏa thuận hoàn toàn phù hợp, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Bởi cho dù có thỏa thuận như vậy cũng không có nghĩa bên thực hiện cấp dưỡng chuyển giao hoàn toàn nghĩa vụ nuôi dưỡng cho bên còn lại mà chỉ là một thỏa thuận để việc chăm sóc, nuôi dưỡng con được tốt hơn. Bên có nghĩa vụ đã thực hiện cấp dưỡng vẫn có toàn bộ các nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con vì đây là nghĩa vụ không thể chuyển giao cho người khác và không thay thế được bằng nghĩa vụ khác([8]).

3. Kiến nghị

Từ thực tiễn hoạt động và vướng mắc phát sinh trong cong tác chuyên môn, tác giả có kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về quyền khởi kiện của các đương sự khi có tranh chấp cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân và hướng dẫn rõ về nội dung quy định tại Điều 110 Luật HNGĐ năm 2014: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con theo hướng đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng nuôi con đối với người vi phạm nghĩa vụ nuôi con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của bố mẹ, có nghĩa là có thể khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng cả trong thời kỳ hôn nhân khi một bên không sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Trong trường hợp này Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án có thể áp dụng quy định về áp dụng tương tự pháp luật của BLDS năm 2015 và các quy định về cấp dưỡng sau khi ly hôn của cha, mẹ đối với con để giải quyết.

Thứ hai, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về thời gian cấp dưỡng nuôi con trong thời kỳ hôn nhân mà tòa án ấn đinh đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng là khoảng thời gian thực tế từ thời điểm bắt đầu mà người có nghĩa vụ nuôi dưỡng vi phạm nghĩa vụ cho đến khi kết thúc hành vi vi phạm nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp pháp khác.

  4. Kết luận

Vấn đề yêu cầu cấp dưỡng trong thời kỳ hôn nhân là một vấn đề vưỡng mắc phát sinh trong thực tế đời sống và hoạt động xét xử. Tuy nhiên vì các quy định của pháp luật HNGĐ hiện hành chưa quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này nên đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án.

Để hoạt động xét xử và áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình, trong trường hợp cha, mẹ không sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng thì vấn đề này cần sớm được HĐTP TANDTC có hướng dẫn kịp thời  để công tác giải quyết, xét xử của ngành Tòa án được thống nhất trong toàn hệ thống.

Tác giả bài viết: TAND huyện Thanh Miện, Hải Dương xét xử vụ án ly hôn - Ảnh: Nguyễn Thị Diên

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây