Nguyên đơn khởi kiện lại vụ án khi Toà án đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong cùng ngày

Thứ hai - 30/09/2024 04:26
(Luật Pháp Lý) - Nguyên đơn A vắng mặt tại phiên tòa dù đã được triệu tập hợp lệ. Do đó, Tòa án đã ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Cùng ngày, A có nộp lại đơn khởi kiện như vụ án trước. Đơn của nguyên đơn A có được thụ lý hay không?

Nguyên đơn bà A khởi kiện bị đơn ông B về việc trả nợ số tiền đã vay, trong quá trình giải quyết vụ án để bảo vệ quyền lợi thì bà A có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của trong tài khoản của ông B tại Ngân hàng C.

Tại phiên tòa ông B vắng mặt không có lý do nên Tòa án phải hoãn phiên tòa. Phiên tòa tiếp theo ngày 23/8/2024, bà A vắng mặt dù đã được triệu tập hợp lệ. Do đó, Tòa án đã ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại phiên tòa do nguyên đơn được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt và hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và biện pháp phong tỏa tài sản.

Cùng ngày 23/8/2024, bà A có nộp lại đơn khởi kiện đối với ông B về việc trả lại số tiền đã vay như vụ án trước kèm theo đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản của ông B để tránh trường hợp ông B rút tiền trong tài khoản và sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà A.

Trong quá trình xử lý đơn khởi kiện thì có nhiều quan điểm khác nhau

Quan điểm thứ nhất: Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án

Căn cứ khoản 1 Điều 218 BLTTDS quy địnhh “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”

Tuy nhiên,  điểm c khoản 1 Điều 217 “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan” . Do đó, theo quy định thì bà A vẫn có quyền khởi kiện lại vụ án sau khi vụ án bị đình chỉ mặc dù Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự chưa có hiệu lực pháp luật vẫn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị và Tòa án phải nhận đơn khởi kiện của bà A và xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích của bà A là cần thiết.

Quan điểm thứ hai: Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện cùng với Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây cũng là quan điểm của tác giả.

Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại phiên tòa, có nêu“Đương sự có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định này trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự”

Căn cứ khoản 2 Điều 273, khoản 2 Điều 280 BLTTDS, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vẫn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị và Quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Đối chiếu theo khoản 1 Điều 218 BLTTDS thì bà A có quyền nộp lại đơn khởi kiện với ông B.

Trong trường hợp này, nếu Tòa án thụ lý vụ án của bà A đối với ông B khi Quyết định đình chỉ vẫn đang trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì có thể dẫn đến trường hợp hai vụ án cùng nguyên đơn, bị đơn, đối tượng tranh chấp được giải quyết song song. Điều này sẽ dẫn đến chồng chéo hoặc mâu thuẫn trong việc giải quyết vụ việc. Ngoài ra, nếu Quyết định đình chỉ bị hủy hoặc kháng cáo được chấp nhận, Tòa án sẽ phải xử lý lại vụ án dẫn đến tình trạng phải xử lý hai vụ án cùng đối tượng và quan hệ tranh chấp sẽ gây chồng chéo trong tố tụng.

Theo ý kiến của tác giả, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cùng với đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà A vì không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tòa án yêu cầu bà A chờ đến khi Quyết định đình chỉ có hiệu lực pháp luật hoặc bị hủy bỏ trước khi nộp lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên khi trả lại đơn khởi kiện của bà A lại không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS và sẽ có sự bất cập theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS.

Vụ việc cho thấy sự bất cập trong thực tiễn giải quyết và cần có hướng dẫn cụ thể hơn khi Quyết định đình chỉ chưa có hiệu lực pháp luật. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý đơn khởi kiện.

Trên đây là ý kiến của tác giả về vụ việc mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây