Trần Đức C có phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có?

Chủ nhật - 29/09/2024 23:05
(Luật Pháp Lý) - R trộm cắp xe mô tô, giao cho C mang xe đi bán. Do không có người mua xe nên C quay về trả lại cho R. Sự việc bị phát hiện nên Công an mời R, C về làm việc, cả hai đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. C có phạm tội hay không?

guyễn Văn R do không có tiền tiêu xài nên R nảy sinh ý định đi tìm kiếm tài sản của người dân sơ hở để trộm cắp. Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 16/6/2023, R đi dọc đường bờ kè biển phía trước Trung tâm y tế huyện V thuộc xã L, huyện V, tỉnh K. thì phát hiện xe mô tô Yamaha, loại SIRIUS, biển kiểm soát 79H1-402.20 của anh Nguyễn Văn L đang dựng ở giữa bờ, không có ai trông coi. R lấy trộm xe và chạy về nhà cất giấu chờ tiêu thụ.

Đến khoảng 07 giờ 00 phút cùng ngày, R thấy Trần Đức C đi ngang qua nên R gọi C lại và nói với C là mới trộm được xe mô tô, nhờ C mang xe đi bán. Bán được xe thì R sẽ cho C tiền. C đồng ý. R đưa xe mô tô 79V1-033.03 cho C đi tìm người mua. Do không có người mua xe nên C quay về trả lại cho R. Sự việc bị phát hiện nên Công an xã Vạn Lương mời R, C về làm việc, cả hai đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện V kết luận xe mô tô này có giá trị là 6.864.000 đ.

Đối với tội danh của Trần Đức C có 3 quan điểm khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất: Trần Đức C phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS năm 2015, tuy nhiên do C chưa bán được nên áp dụng “phạm tội chưa đạt” theo quy định tại Điều 15 BLHS.

Tiêu thụ tài sản thể hiện ở các hành vi như: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó. Trong trường hợp nêu trên C biết rõ xe mô tô biển số 79H1-402.20 có được là do R trộm cắp mà có nhưng R vẫn giúp R đi tìm người để bán nhằm mục đích kiếm lợi, tuy nhiên do không ai mua nên C mang xe về nhà R cất để bán sau. Do vậy việc C phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ““Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thuộc trường hợp “phạm tội chưa đạt” theo Điều 15 BLHS.

- Quan điểm thứ hai: Trần Đức C không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, vì dù nhận lời đi tiêu thụ nhưng do không ai mua nên C vẫn chưa bán được chiếc xe này, tức chưa tiêu thụ được tài sản trộm cắp. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo nên C không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

- Quan điểm thứ ba cũng là quan điểm của tác giả: Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 của BLHS năm 2015 vì về các yếu tố cấu thành tội phạm trong đó mặt khách quan của tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”:  Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng vẫn mua để sử dụng hoặc vào mục đích mua bán khác để tiêu thụ tài sản này cho người phạm tội; về mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà họ tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Như vậy, về mặt khách quan, chủ quan của tội này chỉ yêu cầu người phạm tội nhận thức được tài sản do phạm tội mà có.

Khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có,…”

Khoản 2 Điều 1, khoản 2 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC: “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội; Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó”.

Tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của TANDTC, trường hợp biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây: “ a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có); ... d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”.

Như vậy, hành vi của C được xác định là “giúp cho việc thực hiện các hành vi đó” thuộc trường hợp “tiêu thụ tài sản”“biết rõ là do người khác phạm tội mà có” đã thoả mãn cấu thành “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” tại khoản 1 Điều 323 BLHS năm 2015.

Do đó, hành vi của bị cáo Trần Đức C tuy chưa tìm được người mua xe mô tô 79H1-402.20 do R trộm cắp mà có nhưng đã hoàn thành việc phạm tội, đủ các yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 323 của BLHS.

Trên đây là một số khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” mà trên thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất thông qua vụ việc cụ thể. Mong có thêm nhiều ý kiến của các đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.                                     

Tác giả bài viết: VI NHẬT HOÀNG (TAND huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà)

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây