Khổ vì án dân sự bị hủy, sửa: Nhiều giải pháp phù hợp thực tiễn

Thứ sáu - 20/09/2024 03:42

ý(Luật Pháp Lý) -  Theo báo cáo năm 2023, chỉ riêng án dân sự đã có tới hơn 8.000 án bị hủy, sửa dẫn đến vụ án kéo dài, gây ra nhiều tốn kém, hệ lụy, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công lý.

Do thu thập đánh giá chứng cứ?

Vừa qua, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung bộ luật Tố tụng dân sự 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử. Tại hội thảo, khi nói về vụ án tòa án xét xử kéo dài 4 - 5 năm mới xử xong, ông Tống Anh Hào, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho rằng "công lý chậm là không công lý".



Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, có đến hơn 8.000 vụ án dân sự bị hủy, sửa (hơn 2.400 vụ án bị hủy, hơn 5.700 vụ án bị sửa). Những vụ, việc dân sự bị hủy, sửa có nguyên nhân từ việc thu thập, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án. Tình trạng này đưa đến hậu quả là cùng những chứng cứ như nhau, nhưng cách nhìn nhận, đánh giá, sự suy đoán pháp lý giữa các cấp tòa án vẫn có sự khác nhau.

Pháp luật về tố tụng hiện hành và những văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không giải thích khái niệm "đánh giá chứng cứ" là gì. Do đó, việc đánh giá chứng cứ của vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ, đạo đức của thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.

Thời gian giải quyết vụ án kéo dài

Trả lời Thanh Niên, luật sư Hà Hải, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích căn cứ bộ luật tố tụng Dân sự, thời gian tòa án cấp sơ thẩm tiếp nhận, thụ lý và giải quyết vụ án dân sự có thể kéo dài từ 4 - 6 tháng, trừ trường hợp tòa án tạm đình chỉ vụ án, tạm ngừng phiên tòa, tạm hoãn phiên tòa… Trong khi đó, thời gian tạm đình chỉ vụ án thì luật không quy định.

Bản án của tòa cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo, kháng nghị thì tòa cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án. Theo điều 286 bộ luật tố tụng Dân sự, thì thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm là 3 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, vẫn có thể bị tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử.

Bản án có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 3 năm, và đưa ra giải quyết giám đốc thẩm trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày tòa nhận được kháng nghị. Sau thủ tục giám đốc thẩm, bản án có thể bị xét xử lại sơ thẩm, hoặc phúc thẩm từ đầu.

Theo điều 351 bộ luật tố tụng Dân sự, vụ án vẫn có thể bị xem xét theo thủ tục tái thẩm khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của tòa. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 1 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Sau khi có quyết định tái thẩm, vụ án vẫn có thể quay trở lại xét xử sơ thẩm, hoặc phúc thẩm từ đầu.

Từ những quy định trên, một vụ án dân sự có thể bị xét xử sơ thẩm, phúc thẩm tới 4 lần. Nếu tính luôn cả giám đốc thẩm và tái thẩm thì vụ án có thể bị kéo dài rất nhiều năm.

Để án bị hủy, tòa có thể bị bồi thường

Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên Thẩm phán TAND tối cao, cho rằng trên thực tế có rất nhiều lý do dẫn đến việc hủy, sửa bản án làm cho quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài. Chẳng hạn như thụ lý không đúng thẩm quyền; xác định không đúng quan hệ pháp luật; xác định sai tư cách người tham gia tố tụng; thiếu quy định pháp luật trong việc hướng dẫn, đánh giá, thu thập chứng cứ dẫn đến sai lầm trong quá trình thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ.

Việc hủy, sửa bản án dẫn đến quá trình giải quyết vụ án kéo dài gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến những người tham gia tố tụng. Theo đó, có thể gia tăng chi phí cho các đương sự như phí luật sư, đi lại, thẩm định tài sản và các chi phí khác có liên quan trong quá trình thu thập chứng cứ, hoặc ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của đương sự.

Có trường hợp, cơ quan thi hành án đã thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng sau đó cấp giám đốc thẩm mới ban hành quyết định hủy bản án này thì cần phải xác định lỗi của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến gây thiệt hại cho các đương sự. Để từ đó, đương sự yêu cầu các cơ quan này thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước theo điều 7 luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Cũng tùy từng trường hợp, các cơ quan này phải ra quyết định yêu cầu các đương sự, hoặc bên thứ ba hoàn trả lại tài sản nhận được sau khi thi hành án.

Liên quan vấn đề này, luật sư Hà Hải nêu ra 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất, đối với các đương sự, họ có thể bị thiệt hại về tài sản, danh dự, hoặc các quyền lợi khác khi bản án đã thi hành bị hủy bỏ. Việc khôi phục lại hiện trạng ban đầu sau khi bản án đã được thi hành là rất khó khăn, thậm chí là không thể.

Cũng theo luật sư, việc tranh chấp kéo dài còn gây ra gánh nặng về kinh tế như chi phí tô tụng lớn, gây ra những xáo trộn lớn trong cuộc sống của các đương sự.

Thứ hai, đối với người liên quan như người làm chứng cũng phải nhiều lần ra tòa, gây mất thời gian và công sức.

Thứ ba, đối với cơ quan tiến hành tố tụng làm giảm uy tín của cơ quan tố tụng, khiến người dân nghi ngờ về tính khách quan, công bằng của các phán quyết. Trong một số trường hợp, các cá nhân liên quan đến việc ra phán quyết sai có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Cần lựa chọn thẩm phán có năng lực

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, để khắc phục tình trạng trên, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm dựa trên các trường hợp án đã bị hủy, sửa trước đây, khi xây dựng hồ sơ tuyệt đối tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

"Cần chọn người có năng lực, kinh nghiệm, trình độ để giải quyết vụ án phức tạp. Đặc biệt đối với thẩm phán, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ", ông Hậu chia sẻ.

Cũng theo luật sư Hậu, do các vụ án dân sự đều được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên nên khi phát sinh tranh chấp, các bên liên quan nên ưu tiên tiến hành thương lượng, hòa giải để có thể đi đến ý kiến chung. Chỉ nên khởi kiện tại tòa án khi không còn lựa chọn nào khác.

Theo báo cáo tổng kết năm 2023, toàn ngành tòa án, tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán chiếm 0,89% (4.810 vụ án trong số hơn 540.400 vụ án đã giải quyết). Riêng về án dân sự, tỷ lệ án bị hủy là 0,59% (hơn 2.400 trong số hơn 408.000 vụ án đã giải quyết); án bị sửa là 1,41% (hơn 5.700 trong số 408.000 vụ án đã giải quyết).

Tác giả bài viết: Luật Pháp Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây