Ủy quyền trong vụ án hôn nhân, được hay không?

Thứ năm - 10/10/2024 22:16
(Luật Pháp Lý) - Khi ly hôn, đương sự có được ủy quyền cho người khác thay mình tham gia phiên tòa khi tranh chấp về phần tài sản chung hay không?

Đối với một vụ án ly hôn, thông thường đương sự có 3 yêu cầu để Tòa án giải quyết: Yêu cầu được ly hôn; yêu cầu được nuôi con chung, việc cấp dưỡng; và yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung. Cũng có những vụ án đương sự chỉ yêu cầu được ly hôn và yêu cầu được nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng chứ không yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung (tài sản chung và nợ chung không có, hoặc tự thỏa thuận hoặc không yêu cầu Tòa án giải quyết).

TAND Tp.Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền nuôi con - Ảnh: TGT

1.Xét trường hợp thứ nhất đối với những vụ án chỉ yêu cầu được ly hôn, yêu cầu được nuôi con chung và yêu cầu cấp dưỡng. Trong trường hợp này, đương sự có được ủy quyền hay không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS:  Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn T và chị Đinh Thị Đ kết hôn năm 2010, hôn nhân hợp pháp. Quá trình chung sống có một con chung, hiện được 8 tuổi. Do mâu thuẫn về tiền bạc và suy nghĩ nên tháng 8/2020 chị Đ nộp đơn khởi kiện đến TAND huyện X, yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị Đ được ly hôn với anh T, yêu cầu được tiếp tục nuôi con chung và yêu cầu anh T cấp dưỡng cho con mỗi tháng 2 triệu đồng. Về tài sản chung và nợ chung chị Đ không yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì một số lý do nên chị Đ muốn ủy quyền cho mẹ ruột là bà Huỳnh Thị A đến Tòa án tham gia tố tụng. Vậy có được hay không?

Căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS và dựa vào ví dụ nêu trên thì chị Đ không thể ủy quyền cho bà Huỳnh Thị A thay chị Đẹp đến Tòa án để giải quyết việc ly hôn. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 39 về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình trong BLDS hiện hành thì:

1.Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.

2. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật này, Luật hôn nhân và gia đình và luật khác có liên quan.

Đấy là trường hợp luật quy định rất rõ ràng, trong thực tiễn chưa xảy ra trường hợp nào khó khăn, vướng mắc.

2.Trường hợp thứ 2, đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn, yêu cầu được nuôi con chung, yêu cầu cấp dưỡng và yêu cầu chia tài sản chung, nợ chung thì có được ủy quyền không hay chỉ được ủy quyền từng yêu cầu.

Đối với yêu cầu được ly hôn, yêu cầu được nuôi con chung và yêu cầu cấp dưỡng như đã phân tích nêu trên, đây là quyền nhân thân nên không thể ủy quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nhưng đối với yêu cầu chia tài sản chung và nợ chung, đương sự muốn ủy quyền cho Luật sư hay cho người đại diện thì có được hay không vẫn còn là vấn đề đang được tranh luận.

Có quan điểm cho rằng, trong một vụ ly hôn, cho dù chỉ là quan hệ tranh chấp về phần tài sản chung, nợ chung thì đương sự cũng không được ủy quyền cho người khác vì đây là một trong ba yêu cầu của một vụ ly hôn mà tòa đang giải quyết.

Quan điểm khác cho rằng, đối với yêu cầu xin ly hôn, quyền được nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng là quyền nhân thân nên không thể ủy quyền, còn đối với việc ủy quyền yêu cầu chia tài sản chung thì vẫn có thể thực hiện được. Vì yêu cầu chia tài sản chung trong một vụ án ly hôn không liên quan gì đến quyền nhân thân, nên việc ủy quyền sẽ không làm ảnh hưởng đến việc xét xử.

3.Trường hợp thứ 3 là các đương sự không yêu cầu ly hôn, không yêu cầu nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng mà chỉ yêu cầu chia tài sản sau khi ly hôn. Trong trường hợp này có thể ủy quyền cho người khác được hay không?

Thực tế, nếu các đương sự không đề cập đến việc chia tài sản chung trong vụ án ly hôn, sau đó mới khởi kiện bằng một vụ án khác để nhờ Tòa án giải quyết thì một trong các bên vẫn có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện. Việc giải quyết vụ án chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn được giải quyết theo thủ tục các vụ án dân sự thông thường khác. Do đó, đối với trường hợp thứ 3 này các bên đương sự hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác làm đại diện.

Khi nói đến tài sản, chúng ta đều biết: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản Điều 105 BLDS. Vậy khi ly hôn, vợ chồng yêu cầu chia tài sản chung chính là chia vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Tại Điều 115 BLDS quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 39 BLDS đã quy định quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình là “Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình”.

Theo như điều luật trên thì luật chỉ không cho phép ủy quyền trong việc ly hôn, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình chứ không cấm ủy quyền trong các vấn đề khác. Do đó, khi ly hôn người vợ hoặc chồng vẫn có quyền ủy quyền cho bên thứ 3 tham gia tố tụng đối với việc yêu cầu chia tài sản.

Với những nội dung nêu trên, người viết cho rằng đây là một trong những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn mà chưa được giải đáp, tháo gỡ, thông qua những nội dung này người viết rất mong nhận được sự phân tích và đóng góp của quý bạn đọc.

 

Tác giả bài viết: NGỌC OANH (VKSND tp Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây