(Luật Pháp Lý) - Kết quả hoạt động đánh giá chứng cứ là cơ sở, tiền đề, căn cứ để các chủ thể tiến hành tố tụng đưa ra quyết định khi giải quyết vụ án hình sự. Trong một vụ án, có thể có rất nhiều các chứng cứ khác nhau, thậm chí những chứng cứ đó có sự mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau. Cũng chính vì vậy, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cũng có quan điểm, kết quả đánh giá khác nhau.
Qua thực tiễn xét xử, tác giả nhận thấy một số sai sót khi đánh giá chứng cứ trong vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” như sau:
1. Xác định bị can, bị cáo có sử dụng rượu bia hay không
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”. Đây được quy định là tình tiết định khung tăng nặng của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và để chứng minh tình tiết này cần làm rõ được hai nội dung là “có sử dụng rượu, bia” và “trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Trong đó, nếu như vấn đề “trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” chứng minh tương đối dễ thông qua việc xét nghiệm, đo nồng độ cồn bằng các cách thức, phương tiện y học thì vấn đề “có sử dụng rượu, bia” trong nhiều trường hợp lại rất khó khăn. Tác giả phân tích thông qua ví dụ 1 sau:
Khoảng 12h00 ngày 03/7/2022, Hoàng Bảo N. điều khiển xe mô tô tham gia giao thông, không có giấy phép lái xe theo quy định, đi xe không đúng phần đường quy định đã gây tai nạn với xe mô tô khác do T. điều khiển. Hậu quả, T. chết, xe mô tô của T. bị hư hỏng. Trong vụ án này, đủ căn cứ xác định các tình tiết trên. Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) truy tố N. về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điểm a, b khoản 2 Điều 260 BLHS.
N. có lời khai thống nhất trong hồ sơ vụ án rằng trong khoảng 01 tuần trước và trong khi tham gia giao thông, N. không sử dụng rượu, bia. Trong bữa cơm trưa cùng ngày, N có uống nước ngọt (Sting và Coca) và ăn trái cây (táo, nho, dâu tây, quýt), đồng thời N bị bệnh nên thường xuyên uống thuốc tây. Do đó, N. không đồng ý với truy tố của VKS về tình tiết này. Ngoài ra, không có người nào chứng kiến hay khẳng định N có sử dụng rượu, bia hay không.
Về phía VKS, đã tiến hành thu thập nồng độ cồn, thể hiện nồng độ cồn trong máu của N là 32 mg/dl tại thời điểm 16h00 cùng ngày. Để giải thích kết quả này, VKS đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị làm rõ. Sau đó, có hai văn bản của hai Bệnh viện A và B giải đáp với các nội dung khác nhau. Theo văn bản của bệnh viện A, “Theo quy trình kỹ thuật định lượng rượu trong máu được xây dựng và đang sử dụng tại bệnh viện, các tài liệu viện vẫn nêu trong văn bản này thì người bình thường không sử dụng rượu, bia có nồng độ cồn trong máu là <10 mg/dl. Do đó, người bình thường không sử dụng rượu, bia không thể có nồng độ cồn trong máu là 32 mg/dl”. Theo văn bản của bệnh viện B thì “Theo quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế về quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh, giá trị bình thường là 0-50 mg/dl”.
Như vậy, rõ ràng giữa hai văn bản nêu trên có sự khác nhau về nội dung trả lời. VKS căn cứ vào văn bản của bệnh viện A để truy tố. Tác giả cho rằng, việc VKS đánh giá chứng cứ và quyết định truy tố bị can N. về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 là chưa chính xác. Bởi vì, khi áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” đối với một người thì phải xác định được người đó có hành vi có sử dụng rượu, bia trước hoặc trong khi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông. Trong tình huống này, mặc dù kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bị cáo là 32,9 mg/dl nhưng trong quá trình điều tra và trong hồ sơ vụ án không có chứng cứ, tài liệu nào khác chứng minh trước và trong khi tham gia giao thông bị can có sử dụng rượu, bia. Đối với nội dung công văn trả lời của bệnh viện A: “Ở người bình thường không sử dụng rượu, bia không thể có nồng độ cồn trong máu là 32,9mg/dl”, đây là văn bản thể hiện ý kiến của bác sĩ, được trích dẫn từ các tài liệu nghiên cứu khoa học mà không phải là văn bản hướng dẫn, không có căn cứ pháp lý, không trực tiếp khẳng định bị can có sử dụng rượu, bia. Các tài liệu được viện dẫn cũng chỉ là tài liệu nghiên cứu, chưa được công nhận bởi Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Do đó, chưa đủ cơ sở kết luận bị can có sử dụng rượu bia. Tại Công văn số 300/TANDTC-V1 ngày 10/8/2023 của Tòa án nhân dân tối cao “Về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương” có nội dung nếu ngoài tài liệu xét nghiệm nồng độ cồn mà không còn chứng cứ, tài liệu nào khác cho thấy bị can có sử dụng rượu bia thì chưa đủ cơ sở kết luận bị can có sử dụng rượu bia. Theo tinh thần này, cùng với nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo, phải xác định chưa đủ cơ sở truy tố N theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS mới chính xác. Vì vậy, việc VKS đánh giá chứng cứ sai đã dẫn đến việc truy tố sai đối với bị can N.
Ảnh minh hoạ.
2. Xác định vi phạm “Không giảm tốc độ khi qua đoạn đường hẹp, không êm thuận” và “Tránh xe đi ngược chiều”
Trong vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, các cơ quan tiến hành tố tụng phải làm rõ tất cả những vi phạm của bị can, bị cáo trong vụ án đó căn cứ vào các quy định trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Tưởng chừng như đơn giản nhưng trên thực tế, việc xác định lỗi “không giảm tốc độ khi qua đoạn đường hẹp, không êm thuận” và “tránh xe đi ngược chiều” lại có sai sót.
Thứ nhất, lỗi “không giảm tốc độ khi đi qua đoạn đường hẹp, không êm thuận”
Ví dụ 2: Lê Văn K. (có giấy phép lái xe theo quy định) điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường AT trong tình trạng có sử dụng rượu, bia, không giữ khoảng cách với xe đi trước nên gây tai nạn. Đủ cơ sở kết luận K. phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Trong quá trình giải quyết vụ án, đối với việc K. có vi phạm quy định về giảm tốc độ khi qua đoạn đường hẹp, không êm thuận hay không còn có sai sót.
Đoạn đường trước và trong khi xảy ra tai nạn là đường hai chiều, mỗi chiều có 03 làn xe. K. điều khiển xe ô tô đi ở làn bên trái chiều đi của mình, sát dải phân cách. Mặt đường là đường nhựa, êm thuận. Tuy nhiên, phía trước vị trí xảy ra tai nạn, đoạn đường này bị thu hẹp từ 03 làn thành 02 làn đường. Ngoài 03 làn đường, lề bên phải là đoạn đường có nhiều sỏi đá, không êm thuận. Theo truy tố của VKS và Bản án của HĐXX đều xác định K. “không giảm tốc độ khi qua đoạn đường hẹp, không êm thuận”, vi phạm khoản 3 Điều 5 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT.
Tác giả cho rằng điều này là không chính xác. Khoản 3 Điều 5 Thông tư 31 nêu trên được hiểu như sau: Đoạn đường hẹp là đoạn đường là chiều rộng của đoạn đường đó được coi là “hẹp”, còn bao nhiêu là hẹp thì hiện nay chưa có quy định. Trong vụ án này, đường AT có tới 03 làn đường, ở phía trước vị trí tai nạn thì bị thu lại nhưng vẫn còn 02 làn đường, do đó không thể nói là đoạn đường hẹp. Đoạn đường không êm thuận là đoạn đường gồ ghề, có nhiều sỏi đá, không bằng phẳng. Nhưng đường AT là đường nhựa, mặt đường bằng phẳng, chỉ có phần lề đường bên phải (ngoài phạm vi 03 làn đường) là gồ ghề, do đó, không thể nói K. điều khiển xe trên đoạn đường không êm thuận để buộc K phải giảm tốc độ. Do đó, tác giả cho rằng K. không vi phạm quy định này, truy tố của VKS và Bản án của HĐXX là không khách quan, không đúng quy định pháp luật.
Thứ hai, đối với lỗi “tránh xe đi ngược chiều”
Ví dụ 3: Ngày 21/3/2018, Lê Thanh T. điều khiển xe ô tô tải BKS 66C-xxx lưu thông trên đường HK. Khi đi đến địa phận phường N, thành phố Cao Lãnh, T. điều khiển xe lấn sang phần đường bên trái thì phát hiện phía trước, ngược chiều có 01 xe mô tô chạy đến nên Th đạp phanh, đánh tay lái về bên phải để tránh nhưng không kịp, phần đầu bên trái xe ô tô do T. điều khiển va chạm với bên trái xe mô tô do Nguyễn Viết H. điều khiển. Hậu quả: H. tử vong tại chỗ. Trong vụ án này, Tòa án nhận định T. vi phạm khoản 1 Điều 17 Luật Giao thông đường bộ. Theo tác giả, nhận định này chưa chính xác, hành vi của Th phải vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ. Trong vụ án này, T. có hành vi điều khiển xe đi sai làn đường, phần đường từ trước. Sau đó mới phát hiện có xe mô tô đi phía trước và đánh lái nhưng không kịp. Hậu quả xảy ra không phải xuất phát từ hành vi tránh xe đi ngược chiều mà xuất phát từ hành vi đi sai phần đường. Do đó, hành vi này phải vi phạm khoản 1 Điều 9 mới chính xác.
Ví dụ 4: Ngày 21/01/2018, Nguyễn Văn H. điều khiển xe ô tô BKS 81L-xxx chở mì lưu thông trên Quốc lộ 19, theo hướng từ Gia Lai về Bình Định. Khi đi đến địa phận xã X, thành phố Pleiku, phát hiện phía trước có xe đi ngược chiều (đi sai phần đường, lấn sang phần đường mà H. đang lưu thông), đèn xe chiếu thẳng vào xe ô tô của H, H điều khiển xe sang bên trái để tránh, đồng thời đạp phanh nên xe do H. điều khiển đã tông vào xe mô tô đi ngược chiều, đang đi đúng phần đường làm hai người tử vong. Tòa án nhận định hành vi của Bị cáo là đi sai phần đường, vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ. Tác giả cho rằng, trong vụ án trên, hành vi của H không vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ mà hành vi trên là “tránh xe đi ngược chiều” vi phạm khoản 1 Điều 17 Luật Giao thông đường bộ. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”. Theo đó, người tham gia giao thông vi phạm quy định này có nghĩa người tham gia giao thông đã có hành vi đi không đúng làn đường, phần đường… Hành vi đi không đúng làn đường, phần đường phải được hiểu là hành vi cố ý đi sang phần đường, làn đường mà lẽ ra người điều khiển phương tiện không được phép đi vào. Hành vi này không bị tác động bởi các yếu tố khách quan khác.
Tuy nhiên, trong vụ án này, H. điều khiển xe đúng làn đường của mình. Chỉ khi phát hiện phía trước có xe đi ngược chiều và xe này đang đi sai phần đường (lấn sang phần đường mà H đang lưu thông) thì H. mới điều khiển xe sang trái. Hành vi điều khiển xe sang trái vào phần đường ngược lại của H. không xuất phát từ ý chí chủ quan của H mà xuất phát từ điều kiện khách quan. Mục đích của H. khi thực hiện hành vi là để tránh xe đi ngược chiều. Do đó, hành vi của H không vi phạm khoản 1 Điều 9 mà vi phạm “tránh xe đi ngược chiều mới chính xác”.
3. Xác định tình tiết bị hại cũng có lỗi trong vụ án
Trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, việc bị hại cũng có lỗi trong vụ án xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên, việc xác định lỗi của bị hại trong nhiều trường hợp còn có sai sót.
Ví dụ 5: Ngày 28/6/2022, Hoàng M. điều khiển xe ô tô trên đoạn đường đôi, ở giữa có dải phân cách cứng, chia thành hai chiều riêng biệt, mỗi chiều có 03 làn đường. M. điều khiển xe ở làn thứ hai, đến cổng bệnh viện S bật tín hiệu xin nhan bên phải, rẽ phải vào bệnh viện dẫn đến phần chắn bùn bánh trước bên phải xe ô tô va chạm với phần đầu bên trái xe mô tô do K. điều khiển làm xe mô tô trượt ngã, va chạm với chân cột điện chiếu sáng ở lề đường khiến K. tử vong. Truy tố của VKS và Bản án của Tòa án xác định “Bị hại cũng có một phần lỗi vì ngay trước thời điểm xảy ra tai nạn bị hại điều khiển xe mô tô xử lý không kịp thời, không giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn, vi phạm khoản 8 Điều 5 Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông vận tải”.
Nhận định này là chưa chính xác, trong vụ án này, lỗi phải xác định hoàn toàn thuộc về bị cáo vì bị cáo có hành vi điều khiển xe không chú ý quan sát, cho xe chuyển hướng không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông. Khoản 8 Điều 5 Thông tư 31 quy định các trường hợp phải giảm tốc độ, đó là trường hợp “khi có tín hiệu xin đường của xe đi trước”. Nhưng không phải cứ có tín hiệu xin đường thì người điều khiển phương tiện đi sau phải bảo đảm xử lý an toàn. Xe ô tô do M. điều khiển rẽ phải, trong khi xe mô tô đang đi đúng làn đường trong cùng bên phải dành cho xe mô tô, xe mô tô không thể dừng lại ngay để bảo đảm an toàn. Do đó, trường hợp này, bị hại không có lỗi trong vụ án.
Ví dụ 6: Lê Văn A. điều khiển xe ô tô từ trong sân nhà ra quốc lộ 1A dừng xe không sát mép đường bên phải, tự ý rời khỏi vị trí lái đi vào trong nhà. Khoảng 03 phút sau, bị hại Trần T. điều khiển xe mô tô (có nồng độ cồn trong máu), đi với tốc độ nhanh đã va chạm với phần đuôi xe ô tô đang dừng nêu trên. Hậu quả T. tử vong. A. bị truy tố và xét xử về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS. Xoay quanh việc xác định lỗi của bị hại đối với việc điều khiển xe mô tô với tốc độ nhanh, không chú ý quan sát, không xử lý khi có xe dừng phía trước có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, không xem xét lỗi của bị hại đối với dấu hiệu này bởi Luật Giao thông đường bộ và các văn bản khác không có quy định trực tiếp “người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải xử lý khi có phương tiện đang dừng phía trước”, nên không có căn cứ xác định hành vi này vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc bị hại điều khiển xe như trên đã vi phạm điểm e khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ là “Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông”. Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai bởi vì điểm e khoản 3 Điều 30 là quy định chung về tất cả các hành vi khác mà có ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, trong đó có hành vi không chú ý quan sát và không giảm tốc độ để xử lý tình huống. Chưa hết, hành vi này mặc dù không được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nhưng lại được quy định trong lĩnh vực xử phạt hành chính về an toàn giao thông đường bộ. Do đó, xác định bị hại cũng có lỗi trong vụ án này.
Tác giả bài viết: VĂN LINH (Toà án quân sự khu vực Hải quân) ; (ĐÌNH THÁI (Toà án quân sự Khu vực Quân khu 4)
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn