Khởi tố, bắt tạm giam chủ 2 con chó cắn bé gái 5 tuổi tử vong
Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Công an huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phùng Thị Sơn (trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường) về hành vi "Vô ý làm chết người". Theo điều tra, khoảng 19 giờ 45 phút ngày 20/11, tại thôn 3, xã Vĩnh Sơn xảy ra vụ việc cháu P.D.M. (sinh năm 2019) bị 2 con chó béc giê của nhà bị can Phùng Thị Sơn (là hàng xóm) cắn dẫn đến bị thương nặng.
Ngay sau đó, nạn nhân đã được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường cấp cứu, song do thương tích nặng nên cháu M. đã tử vong. Được biết, tối 20/11, 2 con chó giống béc giê được chủ cho ăn và thả ra để đi vệ sinh, nhưng không rọ mõm.
Ảnh minh họa.
Cần phải xử lý nghiêm người nuôi chó
Vụ việc thương tâm trên cho thấy, công tác quản lý việc nuôi chó của chính quyền địa phương hiện nay còn chưa chặt chẽ; người dân còn chủ quan, chưa đảm bảo các biện pháp an toàn khi nuôi chó. Nếu người chủ rọ mõm cho chó khi thả rông để đi vệ sinh thì không thể xảy ra vụ việc đau lòng nêu trên.
Sự việc nêu trên không thể đổ lỗi cho nạn nhân hay chính con chó mà lỗi hoàn toàn thuộc về người nuôi chó.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác thì còn có thể bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Mặt khác, nếu cố tình thả chó dữ cắn người gây thương tích hoặc tử vong, thì tùy vào trường hợp mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự hoặc tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, người nuôi chó phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.
Còn trong trường hợp súc vật gây ra những thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo mức độ thiệt hại như:
- Nếu súc vật gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì áp dụng Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
- Nếu súc vật làm chết người thì áp dụng Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vô ý làm chết người”.
Mặc dù, pháp luật quy định đầy đủ, chi tiết về trách nhiệm dân sự lẫn hình sự nhưng việc yêu cầu bồi thường cũng như xử lý hình sự thời gian qua vẫn chưa nghiêm nên không có tính răn đe và giáo dục ý thức đối với chủ sở hữu vật nuôi. Người nuôi chó hiện nay chưa quan tâm đến việc đăng ký vật nuôi với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã và chưa ký cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình theo đúng quy định, vì vậy, việc quản lý còn lỏng lẻo, nhất là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dại trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng nhưng không xích giữ, không có người dắt hoặc chưa tiêm phòng dại,… Đây là những hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử phạt của lực lượng chức năng đối với hành vi vi phạm này là rất hạn chế.
Thời gian qua, tình trạng chó thả rông tấn công người đi đường xảy ra rất phổ biến, đối tượng tấn công của chó chủ yếu là trẻ em và người lớn tuổi do họ không đủ khả năng tự vệ. Chó thả rông nhưng không có biện pháp quản lý nên nhiều người bị chó cắn nuôi trúng chỗ hiểm thì sẽ tử vong hoặc có nguy cơ mắc bệnh dại rất cao, nếu không có biện pháp sơ cứu, chữa trị kịp thời dễ phát bệnh dại và tử vong.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các ngành chức năng cần phải tăng cường công tác quản lý việc nuôi chó của cá nhân, hộ gia đình. Khi xảy ra vụ việc chó tấn công gây thương thương tích hoặc chết người thì phải truy đến cùng trách nhiệm dân sự, kể cả hình sự đối với chủ sở hữu vật nuôi để nêu gương, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của người nuôi chó.
Tác giả bài viết: ĐỖ VĂN NHÂN - Sở Tư pháp Kon Tum
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn