Bàn về trường hợp Tòa án được quyền xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn

Chủ nhật - 17/11/2024 21:48

(Luật Pháp Lý) - Quy định về giới hạn của việc xét xử trong pháp luật tố tụng hình sự có mục đích nhằm đảm bảo tính định hướng cho hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng, các chủ thể tham gia tố tụng ở giai đoạn xét xử, đặc biệt là xác định giới hạn cho Tòa án trong việc thực hiện quyền hành của mình trong quá trình giải quyết vụ án tránh tình trạng lạm quyền, vượt quyền... gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể tham gia tố tụng.

Ảnh minh hoạ.
Cơ sở của việc quy định quyền Tòa án được quyền xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn

Tòa án được quyền xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố được cụ thể hóa từ các quy định của Hiến pháp và các quy định của pháp luật liên quan. Cụ thể, khoản 1, khoản 3 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” và “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Quy định của pháp luật về giới hạn xét xử

Khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện Kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện Kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện Kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Việc hiểu thế nào là tội danh nặng hơn cần thực hiện theo Hướng dẫn số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao. Theo đó, ý b.3, tiểu mục 2.2, mục 2, Chương 2 của Nghị quyết 04 hướng dẫn “Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.

Ví dụ, đối với tội "Hiếp dâm" (Điều 111 của Bộ luật Hình sự) và đối với tội "Hiếp dâm trẻ em" (Điều 112 của Bộ luật Hình sự), điều luật đều quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân và hình phạt tù có thời hạn có mức cao nhất là hai mươi năm, nhưng mức hình phạt tù khởi điểm đối với tội "Hiếp dâm" là hai năm, còn đối với tội "Hiếp dâm trẻ em" là bảy năm. Do đó, tội "Hiếp dâm trẻ em" nặng hơn tội "Hiếp dâm". 

Quy định mới này là cần thiết và quan trọng, trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định việc Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn đã dẫn đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng kết quả không bổ sung điều tra được và Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, Hội đồng xét xử phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật và có nhiều trường hợp bản án sơ thẩm bị hủy, gây nên xôn xao trong dư luận. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn chính là sự đảm bảo trong nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Thực tiễn áp dụng pháp luật

Thực tiễn, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã áp dụng đúng quy định của pháp luật về giới hạn xét xử các vụ án nói chung, về các vụ án với tội danh nặng hơn tội danh mà Viện Kiểm sát đã truy tố. Theo đó, với những tội danh nặng hơn mà Viện Kiểm sát đã truy tố, Thẩm phán đã tiến hành trao đổi với Kiểm sát viên để Viện Kiểm sát rút quyết định truy tố; trường hợp Viện Kiểm sát không rút truy tố thì Thẩm phán trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trường hợp Viện Kiểm sát chấp nhận quyết định trả hồ sơ của Thẩm phán thì Thẩm phán đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Trường hợp Viện Kiểm sát không đáp ứng quyết định trả hồ sơ của Thẩm phán, thì Thẩm phán vẫn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên trong quyết định có ghi chú nội dung “Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản… Điều….” về tội danh nặng hơn đó.

Tác giả bài viết: HOÀNG THÙY LINH - Tòa án quân sự Quân khu 7

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây