Một số khó khăn, vướng mắc
Thực tiễn áp dụng quy định này, tác giả nhận thấy gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất, khó khăn hiện nay là chưa có hướng dẫn cụ thể người như thế nào là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác dẫn đến việc áp dụng không thống nhất.
Về tình tiết "người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác" hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về đối tượng này, tuy nhiên, có thể tham khảo tinh thần quy định tại Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Theo đó tại Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP quy định “người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…” và tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP nêu rõ một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là “lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng”.
Ảnh minh họa.
Căn cứ theo tinh thần của hai văn bản trên thì có thể hiểu một người được coi là có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong một lĩnh vực nào đó và được và tặng thưởng bằng các danh hiệu như bằng khen, giấy khen... Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực khen thưởng, cơ quan có thẩm quyền ban hành, các hình thức khen thưởng để áp dụng tình tiết giảm nhẹ nên dẫn đến việc áp dụng không thống nhất có nơi HĐXX áp dụng, có nơi HĐXX chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS là “các tình tiết giảm nhẹ khác”.
Ví dụ, đối với người phạm tội đạt các danh hiệu cấp quốc tế như Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế, các cuộc thi về văn học nghệ thuật, báo chí, các giải thưởng cấp quốc gia mà không có bằng khen, giấy khen chỉ có danh hiệu, cúp hoặc xác nhận đạt giải của Ban tổ chức thì có được coi là có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác không?
Thứ hai chưa có hướng dẫn về trường hợp người phạm tội có sáng chế, phát minh có giá trị lớn và người phạm tội đạt chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền để làm căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người phạm tội có sáng chế, phát minh có giá trị lớn.
Đối với trường hợp này, hiện nay chưa có hướng dẫn về trường hợp này người có sáng chế, phát minh có giá trị lớn là như thế nào (sáng chế, phát minh giá trị về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế là bao nhiêu thì được coi là có giá trị lớn), sáng chế được cơ quan, tổ chức nào xác nhận để người phạm tội được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Ví dụ, người phạm tội có phát minh, cải tiến kỹ thuật góp phần tăng cao hiệu quả sản xuất có giá trị hàng tỷ đổng và được công ty, tổ chức tặng bằng khen, giấy khen vì sáng chế, phát minh đó tuy nhiên các sáng chế phát minh này chỉ được áp dụng tại công ty, tổ chức đó không đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không xác định được con số thực tế để coi là có giá trị lớn, có giá trị thì có được xem xét đây là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không.
Trên thực tế, rất ít khi HĐXX áp dụng tình tiết này để người phạm tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự hoặc nếu có thì chỉ coi là tình tiết giảm nhẹ khác.
Trường hợp người phạm tội nhiều năm được công nhận chiến sĩ thi đua.
Do hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật để xác định danh hiệu “chiến sĩ thi đua nhiều năm liền” nên thông thường HĐXX căn cứ theo quy định về danh hiệu “chiến sĩ thi đua” tại Luật Thi đua khen thưởng để xem xét hoặc dựa vào các giấy khen, bằng khen “chiến sĩ thi đua” trong hồ sơ để xác định người phạm tội có hay không việc được công nhận là chiến sĩ thi đua để áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác mà không xác minh là việc trao danh hiệu trên có đúng trình tự thủ tục hay không hoặc việc trao tặng danh hiệu đó có đúng thẩm quyền hay không. Hiện nay, trong một số vụ án người phạm tội khi làm việc được công ty khen thưởng và có giấy khen, bằng khen của công ty đạt danh hiệu là “chiến sĩ thi đua” vậy việc xác định người đó đủ điều kiện để áp dụng tình tiết giảm nhẹ nêu trên vẫn còn có sự chưa thống nhất, vẫn có kẽ hở để các cá nhân, cơ quan tổ chức lấy việc tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua để vụ lợi.
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Từ những nội dung vừa phân tích và đưa ra một số bất cập liên quan đến tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự "Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác" theo quy định của BLHS 2015 nêu trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này:
Thứ nhất, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các hướng dẫn để làm rõ tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” là những đối tượng nào? Các lĩnh vực cụ thể, cơ quan nào có thẩm quyền khen thưởng để làm căn cứ áp dụng thống nhất.
Thứ hai, cần có các văn bản hướng dẫn quy định về việc người phạm tội có sáng chế, phát minh hoặc đạt danh hiệu chiễn sĩ thi đua dựa trên căn cứ pháp luật nào, cần ban hành các tiêu chí cụ thể đối với các trường hợp nêu trên như việc người phạm tội có sáng chế phát minh có giá trị lớn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có giá trị cụ thể (về vật chất từ bao nhiêu tiền trở lên, về khoa học, kỹ thuật thì đạt hiệu quả như thế nào về thời gian, phạm vi…).
Đối với trường hợp người phạm tội đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua thì cần căn cứ theo Luật thi đua khen thưởng để làm căn cứ xác định người phạm tội có đủ điều kiện là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trên hay không.
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN HỮU ĐỨC
Nguồn tin: Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn