Chủ sở hữu nhà đã chết thì đăng ký thường trú mới như thế nào?

Thứ năm - 28/11/2024 20:10

(Luật Pháp Lý) - Trong trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2025.

Trong đó đáng chú ý, Nghị định quy định trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.

Ảnh minh họa.

Trường hợp đăng ký thường trú theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.

Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật.

Nghị định nêu rõ, trong trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:

- Ghi rõ nội dung đồng ý và ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Xác nhận nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra, xác minh cư trú;

- Có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì chủ hộ chỉ thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú và kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Trường hợp một hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình chuyển nơi cư trú mới thì một trong các thành viên đó thực hiện đăng ký cư trú đối với bản thân mình theo điều kiện, thủ tục của Luật Cư trú; người thực hiện thủ tục được kê khai, đăng ký cư trú kèm theo cho các thành viên khác của hộ gia đình trong Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, không phải nộp hồ sơ và thực hiện thêm các thủ tục đăng ký cư trú khác cho thành viên hộ gia đình.

Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú đối với trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài nơi cư trú đã đăng ký, khai báo theo quy định của Luật Cư trú.

Trường hợp công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin nơi ở hiện tại của công dân vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Công dân đăng ký tạm trú về với hộ gia đình thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú khi chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Khi hết thời hạn tạm trú, đại diện thành viên hộ gia đình được kê khai, đăng ký gia hạn tạm trú cho bản thân hoặc các thành viên khác trong hộ gia đình khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, không phải xuất trình, cung cấp giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Cơ quan đăng ký cư trú giải quyết thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc thủ tục khác về cư trú nhưng không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Cư trú thì phải hủy kết quả đã giải quyết, phục hồi lại trạng thái, thông tin cư trú trước đây và thông báo bằng văn bản cho người đã đăng ký, nêu rõ lý do.

Tác giả bài viết: DUY ANH

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây