Từ ngày 01/01/2026 ô tô cá nhân phải có thiết bị an toàn khi chở trẻ em

Thứ sáu - 15/11/2024 22:37

(Luật Pháp Lý) - Từ ngày 01/01/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô phù hợp góp phần giảm thiếu rủi ro chấn thương và tai nạn giao thông. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã chính thức quy định lộ trình nhằm bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

Theo đó, thông tin tại buổi họp phổ biến những quy định mới về đảm bảo an toàn cho trẻ em trên xe ô tô trong Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 10 tháng của năm nay diễn ra hết sức phức tạp, số người tử vong về tai nạn xấp xỉ 9.000 người.

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ 01/01/2025 và khoản 3 Điều 10 Luật này thì có hiệu lực từ 01/01/2026, trong đó quy định đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.

Cụ thể, khoản 3 Điều 10 Luật nêu rõ, từ ngày 01/01/2026, trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Theo đại diện Cục CSGT, đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.

Cùng trao đổi về thực trạng sử dụng thiết bị an toàn và thắt dây an toàn cho trẻ em trên xe ô tô tô tại Việt Nam, Thạc sĩ Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho hay, số lượng xe ô tô ở Việt Nam tăng rất nhanh, xu hướng chính của người mua ô tô là những người trẻ, vì vậy, lượng xe tăng cũng dẫn đến số lượng trẻ em ngồi trên xe tăng.

Làm sao đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe? Đặt câu hỏi này, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương phân tích về quy định trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1m35 khi ngồi trên xe không được ngồi ở hàng ghế phía trước cùng với người lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em; cho biết, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì chiều cao là 1m50 và dưới 12 tuổi, nhưng mỗi nước có cách áp dụng khác nhau.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, trước khi có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 này, thực trạng sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe là rất thấp. Qua nghiên cứu ở 03 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, chỉ có 1,3% tổng số xe có chở trẻ em là sử dụng thiết bị an toàn. Trong đó, tất cả các xe chở trẻ em ở Đà Nẵng đều không sử dụng thiết bị an toàn.

Quan sát trên tổng số 1.458 xe chở trẻ em thì tỉ lệ ngồi trong thiết bị an toàn, hàng ghế sau chỉ có 1,3%, có 0,7% trẻ con ngồi trong lòng của người lái, rất nguy hiểm.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương Dương Kim Tuấn, trẻ em không nên ngồi ghế trước bởi sẽ chịu nhiều tác động khi xảy ra tai nạn, va chạm; dễ văng ra ngoài xe; sự va đập của túi khí; hiếu động, tò mò; gây mất tập trung hơn cho người lái xe…

Hiện, có 97 nước trên thế giới quy định bắt buộc việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, việc sử dụng dây đai, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô còn chưa được chú trọng thực hiện. Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Đồng quan điểm, nhấn mạnh tất cả những phương tiện khi chở trẻ em, dù là xe cá nhân, hay xe buýt, xe kinh doanh vận tải đều phải dùng thiết bị an toàn, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, trong quá trình triển khai vào văn bản dưới luật sẽ có lộ trình phù hợp. Nhóm xe cá nhân cần tập trung và quan tâm nhiều nhất, vì xe này đang được lưu hành với tốc độ cao nhất và có tần suất sử dụng nhiều hơn. Khi di chuyển với tốc độ cao hơn, các rủi ro dẫn tới va chạm và hậu quả lớn hơn.

Chia sẻ về việc có quan điểm cho rằng mẹ ôm con trên xe có thể bảo đảm an toàn cho trẻ, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thông tin, các nghiên cứu cho thấy, khi xe chạy với tốc độ 30 km/giờ, xảy ra va chạm thì lực quán tính tương đương với 03 bao xi măng, tức 150kg và người mẹ gần như không thể giữ con lại được. Còn nếu va chạm ở tốc độ 60km/giờ, lực quán tính tương tương đương với 06 bao xi măng, tức 300kg, lúc đó thậm chí những người lớn trên xe còn không giữ nổi mình, chưa nói đến giữ trẻ em.

Từ đó, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho hay, suy nghĩ người lớn ngồi sau có thể bế hoặc giữ trẻ em để phòng ngừa va chạm là nhận thức không đúng về sự nguy hiểm khi có va chạm. Chỉ có dây an toàn đối với người trưởng thành và thiết bị an toàn mới có thể bảo vệ trẻ em.

Tác giả bài viết: QUÝ NGUYỄN (t/h)

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây