Theo hướng dẫn xử lý nước mùa mưa lũ của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, ở những vùng ngập lụt sau bão, người dân cần triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực để đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, các hóa chất mà người dân có thể sử dụng để khử trùng nước, nước giếng như: Bột Cloramin B liều 10g/mét khối nước; Clorua vôi 20% liều 13g/mét khối nước; hoặc Clorua vôi 70% liều 4g/mét khối nước.
Người dân có thể sử dụng với xử lý nước giếng theo cách: Múc 1 gầu nước, hòa lượng hóa chất như trên vào, khuấy cho tan hết. Sau đó tưới đều gầu nước này vào giếng; thả cho gầu chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên, kéo xuống khoảng 10 lần cho hòa đều. Sau đó múc nước giếng đã khử trùng dội lên thành giếng để khử trùng. Để nước giếng trong khoảng 30 phút, sau đó có thể múc lên sử dụng được.
Người dân cần lưu ý, với nước đã xử lý khi múc lên vẫn chưa được trong hoàn toàn thì cần phải cho thêm bột Cloramin B để tiếp tục xử lý. Nước đã được khử trùng bằng Cloramin B vẫn phải đun sôi mới được uống.
Sau khi khử trùng, người dân ngửi thấy nước có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
Cục Quản lý Môi trường y tế cũng hướng dẫn, nếu người dân không có hóa chất khử trùng nước, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.
Các bước làm trong nước bằng phèn chua:
- Sử dụng 1g phèn chua cho 20 lít nước.
- Hòa lượng phèn chua tương đương thể tích nước cần làm trong vào 1 gáo nước cho tan hết.
- Đổ gáo nước vào chum, vại, lu, thùng... rồi khuấy đều.
- Chờ 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
- Nếu người dân không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
Với nước ăn uống, quy trình xử lý chung như sau:
- Làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải lọc.
- Khử trùng nước đã làm trong bằng Cloramin B hoặc Clorua vôi.
- Đun sôi lên và có thể sử dụng để ăn, uống.
Tác giả bài viết: MAI HUỆ (t/h)
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn