Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Giao thông đường bộ 2008 về tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ như sau:
Tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ
1. Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.
3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý.
Chiếu theo quy định trên, để tránh sập cầu khi lưu thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý:
- Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.
- Ngoài ra, khi tham gia giao thông trên đường bộ, để tránh các trường hợp xấu xảy ra thì người tham gia giao thông còn cần phải tuân thủ quy định của pháp luật về tham gia giao thông, tải trọng của xe và tuân theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Để tránh sập cầu khi tham gia giao thông đường bộ thì phải tuân thủ quy định gì về tải trọng? Xe quá tải trọng lưu hành trên đường bộ? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Thông tư 35/2023/TT-BGTVT thì xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn lưu hành trên đường bộ được quy định như sau:
(1) Xe quá tải trọng của đường bộ (là xe quá tải) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
(i) Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “hạn chế trọng tải toàn bộ xe” hoặc biển báo hiệu “Loại xe hạn chế qua cầu” tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
(ii) Có tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe vượt quá quy định về giới hạn tổng trọng lượng của xe tại Điều 17 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu quy định tại điểm (ii);
(iii) Có tải trọng trục xe vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế tải trọng trên trục xe” hoặc biển báo hiệu “Tải trọng trục hạn chế qua cầu” tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
(iv Có tải trọng trục xe vượt quá quy định về giới hạn tải trọng trục xe tại Điều 16 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu quy định tại điểm (iii).
(2) Xe quá khổ giới hạn của đường bộ (xe quá khổ) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có kích thước bao ngoài kể cả hàng hóa xếp trên xe (nếu có) thuộc ít nhất một trong các trường hợp sau:
(i) Chiều dài vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế chiều dài xe” hoặc biển báo hiệu “Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi- rơ-moóc” tại nơi có một trong hai loại biển báo hiệu này;
(ii) Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe tại nơi không có cả hai loại biển báo hiệu quy định tại điểm (i).
(iii) Chiều rộng vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế chiều ngang xe” tại nơi có loại biển báo hiệu này;
(iv) Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét tại nơi không có loại biển báo hiệu quy định tại điểm (iii).
(v) Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên vượt quá trị số ghi trên biển báo hiệu “Hạn chế chiều cao” tại nơi có loại biển báo hiệu này;
(vi) Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét, đối với xe chở container lớn hơn 4,35m mét tại nơi không có loại biển báo hiệu quy định tại điểm (v).
(3) Xe máy chuyên dùng có tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại khoản (1) hoặc kích thước bao ngoài thuộc ít nhất một trong các trường hợp quy định tại khoản (2) khi tham gia giao thông trên đường bộ được coi là xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn.
Giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ được quy định tại Điều 15 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT như sau:
(1) Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ phải theo các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT và không vượt quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
(2) Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn và không gây cản trở cho việc điều khiển xe, bảo đảm an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Tác giả bài viết: Luật Pháp Lý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn