Trong những năm qua, tội phạm trẻ em không chỉ có dấu hiệu gia tăng về số lượng mà mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi; độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày một manh động.
Trước tình trạng tội phạm trẻ hóa ở mức đáng báo động đơn cử như: Vụ “quái xế” tông chết cô gái đứng chờ đèn đỏ; nhiều vụ bạo lực học đường gây ra những cái chết thương tâm…, nhiều người cho rằng cần tăng chế tài, giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, xử lý thật nghiêm đối tượng vi phạm.
Điều này làm tôi nhớ đến câu nói của Tuân Tử, ông cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác” – nghĩa là con người sinh ra vốn dĩ là ác; và Mạnh Tử, ông cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện” – nghĩa là con người sinh ra vốn dĩ là thiện. Hai quan điểm tưởng chừng như đối lập nhau nhưng lại có một điểm chung ý nghĩa, đó là cái ác tồn tại ở người lớn là do giáo dục (giáo dục không thuần hóa “ác” thành “thiện” hoặc giáo dục đã biến bản chất “thiện” thành “ác”).
Ảnh minh hoạ.
Theo tôi, tình trạng tội phạm trẻ hóa không phải do pháp luật chưa nghiêm mà vấn đề ở giáo dục chưa tốt (bao gồm giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội). Cụ thể như sau:
Lỗi từ gia đình
Như chúng ta đã biết, gia đình là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, một khi gia đình không ổn định, có những vấn đề như bao lực, ly hôn, thiếu sự quan tâm, yêu thương đối với con cái sẽ khiến trẻ dễ bị tổn thương và thiếu định hướng đúng trong cuộc sống, dẫn đến những hành vi sai trái, lệch chuẩn đạo đức.
Ngoài ra, trong một số gia đình, cha mẹ quá nuông chiều hoặc thiếu sự kỷ luật với con cái (lúc nào cũng cho con mình còn nhỏ nên không biết gì, trong mọi trường hợp con mình đều không có lỗi...) sẽ tạo điều kiện cho trẻ em thiếu trách nhiệm với mọi người, có xu hướng đòi hỏi, và có hành vi vi phạm pháp luật.
Hay một số gia đình, cha mẹ dư dả về tài chính, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu vất chất của con nhưng không quan tâm, bên cạnh con về mặt tinh thần nên trẻ cảm thấy cô đơn, bối rối và tìm kiếm sự thỏa mãn bằng những hành vi tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Lỗi từ nhà trường
Nhà trường giữ vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, vì các lý do khác nhau, nhiều trường hợp nhà trường, thầy cô giáo chỉ quan tâm đến việc dạy – học và kết quả học tập mà chưa sát sao đến hoàn cảnh gia đình của từng học trò, đặc biệt là các em “cá biệt”. Thậm chí, có những trường hợp học trò của mình chính là nạn nhân của bạo lực học đường nhưng vì căn bệnh thành tích nên cố gắng giấu đi cho qua chuyện.
Lỗi từ xã hội
Bên cạnh những mặt tích cực của phương tiện truyền thông, mạng xã hội mang lại, vẫn xuất hiện mặt trái của nó; như là trẻ em tiếp xúc với những thông tin, hình ảnh không lành mạnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và hành vi của trẻ, thúc đẩy trẻ thực hiện hành vi phạm tội mà không nhận thức được hậu quả.
Đồng thời, hàng xóm, những người xung quanh thờ ơ trước những hành vi sai trái của trẻ (coi đó không phải là chuyện của mình nên không góp ý cho trẻ, không quan tâm để tránh gặp chuyện phiền phức); các hội, đoàn ở địa phương cũng chưa thật sự sát sao đến những trường hợp “trẻ có biểu hiện hư” cho đến khi trẻ vi phạm pháp luật mới biết.
Do đó, giải pháp để đẩy lùi “tình trạng tội phạm trẻ hóa” không phải là tăng chế tài, giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em.
Gia đình cần tạo một môi trường yêu thương, quan tâm, chia sẻ với con cái về mọi mặt (vật chất lẫn tinh thần). Nhà trường cần chú trọng đến giáo dục nhân cách cho trẻ, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phối hợp chặt chẽ với gia đình và cơ quan có chức năng trong việc giáo dục trẻ. Cơ quan có thẩm quyền cần quyết tâm hơn nữa trong việc loại bỏ những thông tin tiêu cực trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội; đồng thời, hàng xóm, những người xung quanh, các hội, đoàn cần quan tâm, hỗ trợ và tạo môi trường sống lành mạnh để trẻ em có thể phát triển một cách toàn diện. Có như vậy, mới góp phần giảm tình trạng tội phạm là trẻ em một cách hiệu quả.
Tác giả bài viết: Luật sư PHẠM THANH HỮU - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn