Ngăn chặn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Thứ ba - 13/08/2024 22:32
(Luật Pháp Lý) - Thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phương thức truyền thống nổi lên các hành vi như: xin việc làm, chạy án, sử dụng giấy tờ giả để cầm cố tài sản, lừa giao dịch bất động sản... Các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân, với các thủ đoạn điển hình như: giả danh cán bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án…); lừa đảo thông qua kết bạn tặng quà, giả mạo, hack tài khoản mạng xã hội; lừa trúng thưởng, bán hàng qua mạng; tuyển dụng việc làm, cộng tác viên bán hàng; giả mạo phóng viên, nhân viên Đài Truyền hình tổ chức các cuộc thi;...
Một số hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tập trung ở một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, viễn thông... Đối tượng phạm tội lợi dụng đăng ký sử dụng thẻ sim điện thoại không chính chủ, thiếu sự giám sát của Ngân hàng trong việc đăng ký mở tài khoản và giao dịch trực tuyến, chưa có biện pháp hiệu quả để kiểm soát được chính xác thông tin cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ ngân hàng, dịch vụ viễn thông... để đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hoạt động. Trong lĩnh vực tài chính, thiếu hành lang pháp lý trong vấn đề tiền “ảo”, tiền kỹ thuật số dẫn đến việc phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, trong thời gian qua công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện, song đối tượng còn rộng, chưa hướng đến cụ thể nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lừa đảo, phương thức và nội dung tuyên truyền chưa tác động trực tiếp đến từng nhóm có nguy cơ trở thành bị hại của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng. Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường am hiểu, có trình độ công nghệ thông tin, phạm vi hoạt động rộng, nhiều đối tượng ở nước ngoài, sử dụng thông tin cá nhân giả, số điện thoại, tài khoản giao dịch ngân hàng của người khác, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động liên tục, sử dụng sàn giao dịch tiền “ảo” để chuyển tiền ra nước ngoài... Người bị hại thường không muốn hợp tác với Cơ quan điều tra, đến khi nhận thức được việc mình bị lừa mới hợp tác với Cơ quan điều tra thì hành vi lừa đảo đã hoàn thành, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đủ thời gian để che dấu hành vi phạm tội; do đó, công tác đấu tranh với tội phạm này còn gặp khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, theo tác giả cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, đảm bảo hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân đối với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với các lực lượng chức năng liên quan và phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý hiệu quả hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, các cơ quan công an cần tăng cường công tác nắm chắc tình hình, nhất là địa bàn ở cơ sở và triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa đảm bảo hiệu quả, nhất là công tác phòng ngừa nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác quản lý đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các đối tượng có điều kiện, khả năng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.
Thứ ba, tăng cường phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đối với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và kịp thời phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng phạm tội. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác xác minh, xử lý tội phạm theo quy định pháp luật.
 Thứ tư, tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các biện pháp nhằm nâng cao công tác quản lý đối với hoạt động cấp, sử dụng dịch vụ liên quan đến tài khoản Ngân hàng, Thẻ tín dụng…; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra các cấp trong công tác xác minh, xử lý tội phạm và kịp thời phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ việc, vụ án liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời, mở rộng các loại hình tín dụng để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, hạn chế tình trạng người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen”.
Thứ năm, đề nghị Bộ thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet với Cơ quan điều tra các cấp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra, xác minh, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt là tội phạm lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có như vây, mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp, đa dạng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Tác giả bài viết: Luật gia ĐỖ VĂN NHÂN

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây