Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Các yếu tố nào cấu thành tội phạm?

Thứ hai - 29/07/2024 00:01

(Luật Pháp Lý) -  Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm d khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:

Điều 135. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người.

Theo quy định trên, người nào có hành vi cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Các yếu tố nào cấu thành tội phạm?

Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Các yếu tố nào cấu thành tội phạm? (Hình từ Internet)

Các yếu tố nào cấu thành tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là một tội độc lập được quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm d khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thuộc các tội xâm phạm tính mang, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi gây thương tích cho người khác nhưng trong lúc đó, người phạm tội đang ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó.

Các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:

[1] Chủ thể

Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, chủ thể của tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể như sau:

- Về độ tuổi: Người phạm tội phải đủ 16 tuổi trở lên vì tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017

- Về năng lực trách nhiệm hình sự: Người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải có năng lực trách nhiệm hình sự.

[2] Khách thể

Khách thể của tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi đến quyền được bảo vệ về sức khỏe của người khác.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc gây thương tích cho người khác đều là hành vi trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

[3] Khách quan

Khách quan của tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi gây thương tích vẫn trực tiếp xâm phạm đến quyền được bảo vệ về sức khỏe của nạn nhân.

Các hành vi gây thương tích có thể là các hành vi sau:

- Dùng vũ lực trực tiếp: Đánh đập, đá, đấm, dùng vật cứng hoặc sắc nhọn tấn công người khác.

- Sử dụng vũ khí: Dùng dao, kiếm, súng, hoặc bất kỳ công cụ nào có thể gây thương tích để tấn công

- Hành vi gây tổn hại sức khỏe bằng hóa chất, chất độc: Sử dụng các chất độc hại để gây hại cho cơ thể người khác.

- Hành vi gây tổn hại sức khỏe bằng các phương pháp khác: Bóp cổ, siết cổ, gây tai nạn giao thông cố ý,...

[4] Chủ quan

Chủ quan của tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi được thực hiện bởi lỗi cố ý, nhưng với một số đặc điểm khác biệt so với lỗi cố ý thông thường là tình tiết trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Điều này có nghĩa là người phạm tội bị kích động bởi hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó khiến cho người phạm tội mất kiểm soát bản thân tạm thời.

Tình trạng kích động mạnh có thể được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng không loại trừ trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Người phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 6 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
[...]

Theo quy định trên, người phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần kích động mạnh là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Tác giả bài viết: Phan Vũ Hiền Mai

Nguồn tin: Theo Thư viện Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây