Bàn về các tội phạm liên quan đến mại dâm trong pháp luật hình sự Việt Nam

Thứ ba - 23/07/2024 05:18
(Luật Pháp Lý)  -  Mại dâm đã xuất hiện và tồn tại lâu đời trong xã hội, gắn liền với các thời kỳ phát triển của loài người. Đây là vấn đề không mới nhưng không bao giờ cũ đối với xã hội và trở thành vấn nạn nhức nhối, khó giải quyết ở Việt Nam nói riêng và ở nhiều quốc gia khác trên Thế giới nói chung. Ở Việt Nam, mại dâm được coi là hành vi bất hợp pháp. Tệ nạn mại dâm chưa có xu hướng giảm, hoạt động dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, dư luận xã hội đã và đang bàn luận rất sôi nổi xoay quanh vấn đề “Nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm?”. Thế giới vẫn có những cách tiếp cận khác nhau về hoạt động mại dâm: Có những quốc gia lên án mại dâm để tránh những hậu quả tiêu cực mà nó mang lại; Có những quốc gia lại hợp pháp hoá nó để quản lý tốt và tăng thu nhập cho công dân và ngân sách quốc gia. Vậy Việt Nam nên theo xu hướng nào?... Hiện nay, ở nước ta, việc hợp pháp hoá mại dâm là điều rất khó. Chính vì vậy, nhà làm luật cần hoàn thiện quy định pháp luật để góp phần kiểm soát, đẩy lùi vấn nạn này. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng nhằm ổn định chính trị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
Bàn về các tội phạm liên quan đến mại dâm trong pháp luật hình sự Việt Nam

1. Khái quát chung quy định pháp luật hình sự về các tội phạm về mại dâm

Ở Việt Nam, diễn biến tệ nạn mại dâm rất phức tạp, đối tượng hoạt động mại dâm công khai hơn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, xuất hiện một số tụ điểm mại dâm đường phố. Khác với hình thức môi giới mại dâm truyền thống, tội phạm môi giới mại dâm qua mạng Internet được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Môi giới qua Zalo, Facebook, chụp ảnh viết bài đăng trên các trang web sex[1]… Các tội phạm về mại dâm diễn ra chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn và các khu du lịch như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc cho quần chúng nhân dân. Hậu quả của hoạt động mại dâm đem lại rất nguy hiểm. Mại dâm là một trong những yếu tố làm tăng độ lây nhiễm HIV/AIDS, đối với cá nhân tham gia hoạt động bán dâm có nguy cơ cao trở thành nô lệ của chủ chứa, bị bóc lột tình dục, cưỡng bức bán dâm, bị tước quyền làm mẹ; bị lôi kéo, ép sử dụng ma túy và các hoạt động phạm pháp khác; hoặc trở thành nạn nhân của tệ nạn mua bán người, phân biệt đối xử[2].

Ngoài ra, hoạt động mại dâm diễn ra làm xấu hình ảnh văn hóa quốc gia, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội, gây bức xúc dư luận, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự của con người… Bởi lẽ, suy cho cùng thì hoạt động mại dâm không mấy tốt đẹp nhưng vì nó diễn ra tràn lan, vẫn chưa có giải pháp chấm dứt triệt để. Do đó, công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tăng cường xây dựng hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát hiện tượng tiêu cực này. Và trong các biện pháp của Nhà nước, xử lý trách nhiệm hình sự là biện pháp nghiêm khắc và có tính răn đe cao nhất.

Mại dâm được hiểu là hoạt động dùng các dịch vụ tình dục ngoài hôn nhân giữa người mua dâm và người bán dâm để trao đổi lấy tiền bạc, vật chất hoặc một số quyền lợi và ưu đãi nào đó[3]. Bộ luật hình sự Việt Nam (sau đây viết tắt là “BLHS”) được ban hành, trong đó đã hình sự hóa đối với các hành vi môi giới, chứa mại dâm, mua dâm đối với người dưới 18 tuổi. Cụ thể, BLHS năm 2015 quy định tội "Chứa mại dâm" (Điều 327), tội "Môi giới mại dâm" (Điều 328), tội "Mua dâm người dưới 18 tuổi" (Điều 329). Nhìn chung, so với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 về cơ bản vẫn giữ nguyên các điều như Bộ luật trước đó nhưng có một số thay đổi cách diễn đạt cũng như quy định chi tiết hơn về tình tiết định khung của từng tội phạm để đảm bảo phù hợp với tinh thần chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm về mại dâm cũng như tình hình thời cuộc hiện nay. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số đặc điểm nổi bật trong quy định về nhóm tội này của BLHS.

Đầu tiên, đối với tội "Chứa mại dâm" (Điều 327)

Hành vi khách quan được thể hiện bằng hành vi chứa mại dâm. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về hành vi chứa mại dâm. Có quan điểm cho rằng, chứa mại dâm là hành vi tạo điều kiện về mặt vật chất lẫn tinh thần cho hoạt động mại dâm[4]. Có quan điểm cho rằng chứa mại dâm là hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho người mại dâm thực hiện việc mại dâm của mình[5]. Có quan điểm cho rằng chứa mại dâm là hành vi cho thuê chỗ, cho mượn chỗ, bố trí chỗ, bố trí gái mại dâm, tạo điều kiện cho người mua bán dâm hoạt động[6]. Tuy nhiên, nếu hiểu theo cách hiểu thứ nhất và thứ hai thì định nghĩa còn khá chung chung, chưa rõ ràng. Điều 3 Pháp lệnh 2003 quy định “chứa mại dâm là hành vi sử dụng, thuê, cho thuê hoặc mượn, cho mượn địa điểm, phương tiện để thực hiện việc mua dâm, bán dâm”. Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định cho thuê, cho mượn địa điểm, phương tiện để hoạt động mại dâm là “hành vi của tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản mà cho thuê, cho mượn để hoạt động mại dâm”.

Trong khi, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có hướng dẫn như sau: (a) “Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm thì người đó chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội "Chứa mại dâm"””. (b) “Trong trường hợp chủ hoặc người quản lý khách sạn, nhà trọ... vừa gọi gái mại dâm đến cho khách để họ mua bán dâm ngay tại khách sạn, nhà trọ... thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của người gọi gái mại dâm vừa còn gọi gái mại dâm khác cho khách mua dâm khác để họ thực hiện việc mua bán dâm tại nơi khác thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội "Chứa mại dâm"” và “tội "Môi giới mại dâm"””. Theo quan điểm cá nhân, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng: Chứa mại dâm được thể hiện là hành vi như cho thuê địa điểm, cho mượn địa điểm, bố trí địa điểm (thuê hoặc mượn địa điểm), bố trí gái mại dâm, tạo điều kiện cho người mua, bán mại dâm hoạt động.

So với Điều 254 BLHS 1999, Điều 327 BLHS 2015 có một số điểm mới được sửa đổi, bổ sung như sau: Thứ nhất, tại các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, BLHS 2015 có cụ thể hóa một số khái niệm như: "phạm tội nhiều lần” thay bằng “phạm tội từ 02 lần trở lên”; thay cụm từ “trẻ em”, “người chưa thành niên” thành “người”… để bảo đảm tính thống nhất trong cách hiểu và quá trình áp dụng pháp luật hình sự của các cơ quan có thẩm quyền. Bổ sung thêm các tình tiết về thu lợi bất chính và thay các tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” bằng các tình tiết định lượng cụ thể như: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bán dâm từ 11% đến 45%, từ 46% trở lên…Hơn nữa, khoản 4 được cụ thể hóa, thêm 3 tình tiết định khung tăng nặng là “đối với 2 người trở lên từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”; “thu lợi bất chính từ 500.000 đồng trở lên”; “cưỡng bức mại dâm dẫn đến người đó chết hoặc tự sát”.

Thứ hai, về hình phạt, giảm mức tối đa của hình phạt tù từ 7 năm xuống còn 5 năm (khoản 1), từ 15 năm xuống 10 năm (khoản 2); giảm mức phạt tù từ “12 năm đến 20 năm” xuống còn “10 năm đến 15 năm” (khoản 3) và giảm mức tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm (khoản 4). Ở hình phạt bổ sung, nâng mức tối thiểu phạt tiền từ 5.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng.

Thứ hai, đối với tội "Môi giới mại dâm" (Điều 328)

Tội "Môi giới mại dâm" được quy định tại Điều 328 BLHS 2015, tương ứng với Điều 255 BLHS 1999. Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm. Đây là hành vi làm trung gian, tổ chức cầu nối, dẫn dắt, dụ dỗ cho người mua dâm và người bán dâm gặp nhau để quan hệ tình dục.

So với Điều 255 BLHS 1999, Điều 328 BLHS 2015 có một số điểm mới sau: Thứ nhất, bổ sung cụm từ “làm trung gian” vào sau chữ “người nào”. Thứ hai, về tình tiết định khung tăng nặng, các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng” được thay bằng tình tiết định lượng cụ thể là thu lợi bất chính. Các cụm từ “nhiều lần”, “nhiều người” được thay bằng “từ 02 lần trở lên”, “02 người trở lên”. Thứ ba, về hình phạt, giảm mức tối đa phạt tù từ 5 năm xuống 3 năm (khoản 1), 10 năm xuống 7 năm (khoản 2), sáp nhập khoản 3 và 4 và giảm mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm xuống còn 7 năm đến 15 năm. Đối với hình phạt bổ sung nâng mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng lên từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Thứ ba, đối với tội "Mua dâm người dưới 18 tuổi" (Điều 329)

Điều 329 BLHS 2015 tương ứng với điều 256 BLHS 1999. Tuy nhiên, BLHS 2015 đã thay cụm từ “người chưa thành niên” sang cụm từ “người dưới 18 tuổi” để thống nhất cách hiểu, diễn đạt chung cho cả Bộ luật năm 2015. Mặt khách quan của tội phạm thể hiện bằng hành vi mua dâm người dưới 18 tuổi. Mua dâm người dưới 18 tuổi là hành vi của người phạm tội dùng tiền hoặc vật chất mua chuộc người bán dâm là người dưới 18 tuổi để người đó đồng ý cho giao cấu. Theo đó, việc đồng ý giao cấu của người dưới 18 tuổi phải gắn liền với sự thỏa thuận là họ sẽ được nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

So với Điều 256 BLHS 1999, Điều 329 BLHS 2015 có một số thay đổi sau: Đầu tiên, điều này đã thay cụm từ “người chưa thành niên” thành “người dưới 18 tuổi”. Thứ hai, tại khoản 1 bổ sung cụm từ “từ đủ 18 tuổi trở lên” sau từ “Người nào” và bổ sung ngoại lệ “trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này” sau cụm từ “dưới 18 tuổi”. Theo đó, khoản 1 Điều 256 BLHS 1999 quy định nạn nhân là những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi còn BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi nạn nhân hơn là bao gồm những người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, điều luật cũng thay các cụm từ “phạm tội nhiều lần”, “mua dâm trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” thành “mua dâm 02 lần trở lên” và “mua dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Đồng thời bỏ đi tình tiết định khung tăng nặng thứ 3 quy định tại điều 256 BLHS 1999 là “biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội”. Thứ ba, về hình phạt, giảm mức tối đa phạt tù tại khoản 2 từ 8 năm xuống còn 7 năm và nâng mức phạt tiền tại khoản 4 từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

2. Một số hạn chế, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án phạm tội về mại dâm

Mặc dù BLHS 2015 đã có những quy định cụ thể, chi tiết hóa và khắc phục những hạn chế so với BLHS 1999 và đã góp phần vào công cuộc phòng chống tội phạm về mại dâm. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án hiện nay, BLHS 2015 vẫn tồn tại những hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục như sau:

Thứ nhất, quá trình định tội danh tại một số vụ án chưa chính xác

Định tội danh là tiền đề cho việc quyết định hình phạt sao cho phù hợp, tương đồng với mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra. Nếu định tội danh sai sẽ dẫn đến một loạt hậu quả nghiêm trọng như: truy cứu trách nhiệm hình sự oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, quyết định hình phạt không phù hợp với hành vi khách quan, thậm chí còn xâm phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác, còn làm giảm uy tín của cơ quan có thẩm quyền cũng như tính hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm…Trên thực tế có nhiều vụ án hình sự nói chung và lĩnh vực mại dâm nói riêng đã xuất hiện nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm cũng như làm oan người vô tội.

Thứ hai, có một số trường hợp xác định tội danh đúng nhưng xác định tình tiết định khung cũng như quyết định hình phạt chưa phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội

Tức là trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định đúng tội danh của bị cáo. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Tòa án lại xác định sai khung hình phạt đối với bị cáo. Đáng lẽ bị cáo đó chỉ phải chịu khung hình phạt cơ bản nhưng khi xét xử lại theo khung hình phạt tăng nặng hoặc giảm nhẹ.

Thứ ba, pháp luật về phòng chống tội phạm mại dâm ban hành được ban hành từ lâu nên không còn phù hợp với thực tiễn, chưa cập nhật tình hình hiện tại khiến cho có một số trường hợp định tội danh không phù hợp hoặc chưa được quy định với hành vi khách quan nên dẫn đến trường hợp bỏ lọt tội phạm, điểm hình là hành vi mại dâm đồng tính.

Trong xu thế hội nhập hiện nay, mại dâm đồng tính là một hiện tượng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, quy định pháp luật chưa rõ ràng làm cho cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết và khởi tố hình sự. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp quan hệ tình dục đồng giới ngoài hôn nhân và có sự trao đổi tiền bạc, lợi ích vật chất nhưng cơ quan chức năng không thể khởi tố bị can về tội "Chứa mại dâm" hay là mua dâm người dưới 18 tuổi do chưa có quy định điều chỉnh, xử lý hành vi này. Việc xác định khái niệm “hành vi quan hệ tình dục khác” cũng còn nhiều tranh cãi.

Ngoài ra, hiện nay tình trạng cưỡng bức mại dâm diễn ra ngày càng nhiều nhưng chưa bị phát hiện và xử lý thích đáng. Đây là những trường hợp mại dâm không tự nguyện, là mại dâm hoặc nô lệ tình dục diễn ra do sự ép buộc của bên thứ ba. Tuy nhiên, những người ép buộc, cưỡng bức họ bán dâm không phải là người có hành vi chứa mại dâm hay môi giới mại dâm nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hơn nữa, hiện nay hoạt động mại dâm trá hình, biến tướng với nhiều hình thức (như: mại dâm cộng đồng, mại dâm thời công nghệ thông tin, mại dâm thông qua việc giới thiệu việc làm, du lịch…) vẫn diễn ra phức tạp. Hiện nay, hành vi “Tổ chức hoạt động mại dâm” được xử lý, truy cứu cùng về tội “Chứa mại dâm”, “Môi giới mại dâm” là chưa hợp lý, gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm.

3. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về mại dâm

Trước hết, dưới đây là một số kiến nghị nhằm hoàn thiện Bộ luật hình sự Việt Nam dựa trên tình hình lý luận và thực tiễn như sau:

Thứ nhất, cần thống nhất cách hiểu về “mại dâm” và hoàn thiện khái niệm “mua dâm, bán dâm”

Như đã nêu, mại dâm theo Pháp lệnh 2003 được hiểu là bao gồm cả hành vi mua dâm và bán dâm. Nhưng trên thực tế, khi xét xử áp dụng một số tình tiết định khung tăng nặng như “chứa mại dâm 04 người trở lên” (điểm d khoản 2 Điều 327) và “đối với 02 người trở lên” (điểm đ khoản 2 Điều 328) thì Tòa án nhân tối cao hướng dẫn chỉ áp dụng với người bán dâm thì phù hợp với thực tế và các quy định khác hơn. Điều này đã gây ra mâu thuẫn giữa việc quy định và thi hành pháp luật. Vì vậy, nhà làm luật cần xem xét, sửa đổi các tình tiết nêu trên thành “chứa bán dâm 04 người trở lên” và “đối với 02 người bán dâm trở lên” để tạo sự rõ ràng, thống nhất. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tiễn hiện nay thì nhà làm luật nên sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003, đặc biệt là khái niệm mua dâm và bán dâm. Do tình hình tội phạm mại dâm hiện nay diễn ra phổ biến, các loại mại dâm trá hình, mại dâm đồng giới diễn ra nhiều hơn vì vậy nhà làm luật nên bổ sung hành vi “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” vào trong khái niệm mua dâm và bán dâm.

Thứ hai, cần bổ sung thêm tội “Cưỡng bức mại dâm” và loại bỏ các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng ở Điều 327

Theo đó, người nào có hành vi ép buộc, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng thủ đoạn khác để kiểm soát, buộc người khác thực hiện hành vi bán dâm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đồng thời loại bỏ tình tiết “cưỡng bức mại dâm” tại điều 327 để tránh sự chồng chéo khi áp dụng quy phạm.

Thứ ba, bổ sung thêm tội “Tổ chức hoạt động mại dâm”

Tội “Tổ chức mại dâm” quy định trường hợp người nào tổ chức để thực hiện hoạt động mua dâm, bán dâm. Việc tách thành tội “Tổ chức hoạt động mại dâm” riêng biệt góp phần chống bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm hành vi phạm tội này. Hơn nữa, quy định như này cũng là để cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm theo đúng bản chất của nó, tránh sự ôm đồm quá nhiều hành vi trong cùng một tội, đồng thời cũng đảm bảo việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, xây dựng chế tài hình sự cho người mua dâm

Ở Việt Nam, mua dâm và bán dâm đều là hành vi bất hợp pháp. Hành vi mua dâm chỉ bị xử lý hành chính trong khi nhu cầu mua dâm của họ lại cao, nên thay cần có chính sách xử lý nghiêm khắc hơn cho đối tượng này. Chính vì vậy mà việc bổ sung quy định liên quan đến người mua dâm vào Bộ luật hình sự Việt Nam sẽ tạo nên sự chặt chẽ, thống nhất trong quan điểm, hệ thống pháp luật. Điều này sẽ giúp giảm nhu cầu của người mua dâm cũng như dần dần xóa bỏ việc cung cấp dịch vụ mại dâm.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có một số giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về mại dâm như tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cộng đồng; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng…

= = =

[1] http://www.canhsatnhandan.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/4404/Toi-pham-moi-gioi-mai-dam-qua-mang-internet-Thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-ngua-dau-tranh, truy cập ngày 23/5/2018

[2]  https://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/soldtbxh/Pages/Mai-dam,-nhung-tac-hai,- - nguyen-nhan-va-giai-phap-phong,-chong-mai-dam.aspx, truy cập ngày 02/01/2021

[3] https://vi.wikipedia.org

[4] Lê Thị Thương Huyền, tội "Chứa mại dâm" trong luật hình sự Việt Nam – Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bản tỉnh Thái Bình, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr12

[5] Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Giáo trình luật hình sự (Phần các tội phạm, quyển 2), Đại học Luật Hà Nội, 2017, tr 187

[6] Lê Cảm, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr 608

 

Tài liệu tham khảo:

(1) Bộ luật hình sự Việt Nam 1985, 1999, 2015

(2) Hoàng Mai Liên, Các tội phạm về mại dâm trong pháp luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2017

(3) Lê Thị Thương Huyền, tội "Chứa mại dâm" trong luật hình sự Việt Nam – Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bản tỉnh Thái Bình, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr12

(4) Lê Cảm, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2007, tr 608

(5) Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Giáo trình luật hình sự (Phần các tội phạm, quyển 2), Đại học Luật Hà Nội, 2017, tr 187

(6) Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm

(7) Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự

(8) Nguyễn Ngọc Hoà, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, Phần các tội phạm, NXB Tư pháp.

(9) Trần Thị Hải Yến, Các tội phạm về mại dâm trong Bộ luật hình sự 2015, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2020.

(10) Pháp lệnh số 10 ngày 17/3/2003 về phòng, chống mại dâm do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành

(11) Vũ Thị Hồng Hạnh, tội "Môi giới mại dâm" trong luật hình sự Việt Nam, Khoa Luật - ĐHQGHN, 2014

(12) Vũ Thị Lệ Hằng, Các tội phạm về mại am trong luật hình sự Việt Nam, Khoa Luật - ĐHQGHN, 2017

(13) http://www.canhsatnhandan.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/4404/Toi-pham-moi-gioi-mai-dam-qua-mang-internet-Thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-ngua-dau-tranh, truy cập ngày 23/5/2018

(14) https://www.ninhthuan.gov.vn/chinhquyen/soldtbxh/Pages/Mai-dam,-nhung-tac-hai,- - nguyen-nhan-va-giai-phap-phong,-chong-mai-dam.aspx, truy cập ngày 02/01/2021

(15) https://vi.wikipedia.org

Và một số tài liệu tham khảo khác.

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây