Hiện nay, các đường dây lừa đảo không chỉ ở Việt Nam mà còn có phạm vi hoạt động ở cả nước ngoài. Qua thông tin từ cơ quan Công an và báo chí thời gian qua, có thể thấy các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự uy tín của các cá nhân, tổ chức với nhiều hành vi thủ đoạn hết sức tinh vi.
Đối tượng tự xưng hoặc mạo danh Luật sư, Tổ chức hành nghề Luật sư (TCHNLS) để lừa đảo trên các trang mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và hình ảnh của đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư. Đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo: lập tài khoản giả để chạy quảng cáo, giới thiệu, cung cấp dịch vụ pháp lý, hỗ trợ lấy tiền treo trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử một cách công khai; Cam kết thu hồi hoàn toàn tiền bị treo; tự xưng là Luật sư đang công tác tại tổ chức này, tổ chức kia; gửi địa chỉ đúng với địa chỉ của TCHNLS thật. Thậm chí, đối tượng còn cắt ghép thẻ Luật sư giả; chứng chỉ hành nghề Luật sư giả, giả mạo con dấu, tài liệu để lừa đảo.
Các nạn nhân là đối tượng hướng tới rất đa dạng bao gồm: người dân thiếu hiểu biết, ít tiếp cận với phương tiện thông tin đại chúng, đang vướng mắc pháp lý, hoặc bị treo tiền trên nền tảng; và dựa vào tâm lý e ngại không dám công khai việc mình bị lừa nên đã bị các đối tượng thao túng tâm lý với mong nhận lại được tiền nhanh chóng. Các đối tượng đã lập ra các fanpage và hội nhóm trên mạng, chạy quảng cáo và dụ nạn nhân vào nhóm.
Các cam kết được đối tượng tự xưng hoặc mạo danh là Luật sư, chuyên gia pháp lý được ra tràn lan như: “Hỗ trợ lấy lại tiền cho những ai đã tham gia qua các sàn thương mại online, làm nhiệm vụ, Shopee, Tiki,…đều có thể thu hồi thành công. Cam kết lấy lại được ít nhất 80% số vốn ban đầu….” trên các nền tảng mạng xã hội. Đối tượng sử dụng hệ thống chuyên biệt có khả năng truy quét toàn bộ dữ liệu trên nền tảng lừa đảo, sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, nhóm đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tình trạng và số tiền bị treo. Nhóm đối tượng sẽ cắt ghép hình ảnh, thông tin của nạn nhân, số tiền bị treo và tài khoản ngân hàng. Trên thực tế, đây đều là những thông tin mà kẻ gian đã hỏi được từ nạn nhân trước đó, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển khoản thêm từ 02 – 05 triệu đồng vào “hệ thống” với lý do “cần xác minh thông tin ngân hàng”, nếu làm theo yêu cầu, nạn nhân sẽ tiếp tục rơi vào bẫy lừa đảo, và bị chiếm đoạt tài sản, đây là một điều mà Luật sư thật không làm đó là hứa hẹn trước kết quả và yêu cầu thanh toán phí thù lao khi chưa ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Không chỉ dừng lại ở việc mạo danh Luật sư, TCHNLS, đối tượng còn mạo danh Công an, Kiểm sát viên, cán bộ trong cơ quan tư pháp. Đối tượng sử dụng công nghệ cao, sim rác, số điện thoại đã đăng ký chính chủ người khác, thậm chí còn dùng số máy bàn gần giống với số liên hệ của các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để gọi điện cho nạn nhân. Chúng thông báo rằng, nạn nhân đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà các cơ quan này đang giải quyết. Yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ khuyên can, động viên, thậm chí đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản đã chuẩn bị trước đó với mục đích để xác minh, điều tra, giải quyết. Hình thức này trở nên tinh vi hơn khi đối tượng tự may quân, trang phục ngành giả, số hiệu giả, dụng công nghệ AI để sẵn sàng gọi video với nạn nhân nhằm tạo sự tin tưởng.
Trường hợp khác, đối tượng yêu cầu nạn nhân không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, với mục đích để nạn nhân không đủ thời gian kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan có thẩm quyền được biết. Mặc dù, nhiều nạn nhân không vi phạm pháp luật, nhưng trước những lời đe dọa của đối tượng khiến bất an, sợ hãi, lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết đâu là thật - giả, không chỉ dừng lại ở việc lừa tiền của nạn nhân, đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thao túng tâm lý các nạn nhân, nhằm khiến nạn nhân phải thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo, trái đạo đức và pháp luật.
Đối tượng còn giả danh Nhà báo, lợi dụng danh nghĩa Nhà báo dọa nạt các tổ chức, cá nhân để đòi tiền với những thủ đoạn tinh vi tinh vi, thậm chí làm giả thẻ Nhà báo để lừa đảo. Thực tế, đã có trường hợp các đối tượng này giả mạo phóng viên giả cấu kết với các đối tượng khác để móc túi nạn nhân; đối tượng lợi dụng hội nghị, hội thảo trà trộn vào đội ngũ phóng viên để móc túi, ăn trộm khi giải lao. Rồi có người ngang nhiên cầm giấy giới thiệu giả của các cơ quan báo chí đến liên hệ làm việc, công tác, nhưng sau đó là dọa dẫm, vòi vĩnh. Các đối tượng này thường nghiên cứu và biết được một số thông tin về những đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp có chút “sự cố”, “sự việc” vừa xảy ra để lấy cớ “đòi hỏi”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này, ngoài lòng tham về vật chất, tinh thần của đối tượng thì cũng do sự thiếu hiểu biết của người dân, và sự buông lòng của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến, cách phòng tránh, nhận biết thật giả chưa nhanh chóng, kịp thời. Trước tình trạng tội phạm lừa đảo diễn biến phức tạp trên Internet, sử dụng công nghệ cao, mạo danh, giả danh Luật sư, Công an, Kiểm sát viên, Nhà báo… như hiện nay, người dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi này.
Để tránh bị rơi vào các bẫy lừa đảo qua mạng khi đi tìm kiếm dịch vụ pháp lý do Luật sư và TCHNLS trên internet và mạng xã hội, người dân cần tìm website chính thống của các TCHNLS, tra cứu danh bạ Luật sư trên website Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi có số điện thoại của Luật sư và TCHNLS cần liên hệ xác thực để được cung cấp đầy đủ thông tin. Nếu có điều kiện đi lại thì nên đến trực tiếp nơi làm việc của TCHNLS để tư vấn và chỉ chuyển phí thù lao Luật sư trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký. Đồng thời, không được chuyển khoản ngay lập tức cho các đối tượng lạ khi chưa có thông tin cụ thể. Và nếu có chuyển tiền cho nạn nhân rồi thì rất khó để lấy lại, vì không xác định được đối tượng là ai, ở đâu, làm gì, vì mọi thông tin đối tượng đều ẩn danh, hoặc giả mạo.
Trường hợp ở xa không có điều kiện đến gặp tư vấn trực tiếp thì có thể nhờ người quen, bạn bè ở khu vực đó kiểm tra thông tin về TCHNLS đang tìm kiếm để có thông tin đầy đủ, chính xác nhất. Đối với trường hợp đã bị lừa đảo thì cần nhanh chóng làm đơn trình báo, tố giác đối tượng tới tới cơ quan Công an gần nhất.
Người dân cần hiểu rằng, Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát,…khi làm việc với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Các tổ chức, cá nhân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là Luật sư, Công an, Kiểm sát viên, nhà báo,…để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan… yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ cư trú, tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ đối tượng lạ. Khi gặp tin nhắn thông qua trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài… thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật riêng tư trên tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn.
Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cần có các biện pháp quản lý, ngăn chặn các thông tin giả mạo, sai sự thật được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội và thông tin, cảnh báo rộng rãi tới người dân để biết phòng tránh. Đồng thời, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cần có biện pháp xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các đối tượng mạo danh Luật sư, TCHNLS và các cá nhân, tổ chức khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tác giả bài viết: Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn