Bất cập trong quy định về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung

Thứ hai - 03/06/2024 00:17

Trả hồ sơ điều tra bổ sung được quy định tại Điều 174, 245, 280  Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu phát hiện tình tiết có ý nghĩa xác định sự thật khách quan của vụ án mà chưa được làm sáng tỏ thì Viện Kiểm sát, Tòa án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Qua áp dụng quy định này trên thực tế còn có những vướng mắc, bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bất cập trong quy định về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung
tailieu
Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, chưa quy định thời hạn Viện Kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung thì trong thời hạn bao lâu phải chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra
Theo khoản 3 Điều 280 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án phải gửi cho Viện Kiểm sát kèm theo hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên, theo Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung thì lại không quy định thời hạn gửi quyết định và hồ sơ vụ án. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung”.
Đây là thiếu sót và là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình giải quyết vụ án, vì khi Viện Kiểm sát chậm gửi hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung cho Cơ quan điều tra thì quá trình giải quyết vụ án sẽ bị gián đoạn, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Thứ hai, về việc Viện Kiểm sát không chấp nhận quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Toà án
Viện Kiểm sát có quyền xem xét tính có căn cứ của quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, làm văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử theo quy định. Mặc dù mục đích của quy định này được cho là nhằm tránh tình trạng trả hồ sơ tùy tiện làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án của Tòa án. Nhưng xét dưới góc độ khác thì quy định này vô hình chung tạo thêm quyền cho Viện Kiểm sát có quyền bác quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án. Thậm chí, trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra là của tập thể Hội đồng xét xử cũng có thể bị cá nhân Viện trưởng Viện Kiểm sát bác bỏ bằng công văn mà không phải bằng quyết định là không phù hợp.
Để phù hợp với chức năng kiểm sát của Viện Kiểm sát và tinh thần cải cách tư pháp đặt Tòa án là trung tâm thực hiện quyền tư pháp, cần nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án trước khi xét xử nếu xét thấy quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Toà án là không có căn cứ. Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần quy định thêm trường hợp: Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án có thể bị kháng nghị theo quy định của pháp luật. 
Thứ ba, sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung lại xuất hiện tình tiết mới, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần”. Quy định này nhằm hạn chế việc lợi dụng trả hồ sơ điều tra bổ sung để kéo dài thời hạn giải quyết vụ án. Đồng thời buộc Thẩm phán phải nêu cao tinh thần trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ án, phát hiện các vấn đề cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tránh tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần.
Thực tế có những trường hợp sau khi Thẩm phán, Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lại xuất hiện những tình tiết mới, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trường hợp này phải giải quyết như thế nào khi Tòa án đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, vấn đề này cần được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể. 
Kiến nghị hoàn thiện
Pháp luật hiện hành chưa quy định về thời hạn Viện Kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung thì trong thời hạn bao lâu phải chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra là thiếu sót và nguyên nhân làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung thêm quy định về thời hạn tại khoản 2 Điều 245 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:
“2. Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này và gửi cho Cơ quan điều tra kèm hồ sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định”.
Để phù hợp với chức năng kiểm sát của Viện Kiểm sát và phù hợp với khoản 2 Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là những quyết định khác của Toà án cấp sơ thẩm có thể bị Viện Kiểm sát kháng nghị thì nên quy định cụ thể Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án vào Điều 246 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bỏ quy định Viện Kiểm sát có quyền xem xét tính có căn cứ của quyết định trả hồ sơ và quy định rõ việc Viện Kiểm sát không điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án và trả lại hồ sơ cho Toà án bằng một quyết định cụ thể chứ không phải bằng văn bản. 
Ngoài ra, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp sau khi Thẩm phán, Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án lại xuất hiện những tình tiết mới, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
 

Nguồn tin: Tạp chí Luật sư Việt Nam:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây