Kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính khi không sơ tuyển nghĩa vụ quân sự

Thứ hai - 16/09/2024 21:22
(Luật Pháp Lý) - Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời cử tri kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính khi không sơ tuyển nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên với nội dung: “Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 120/2013/ND-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt về vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên tại Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì lại bãi bỏ, trong khi vẫn xử phạt khi không đăng ký nghĩa vụ lần đầu và vi phạm quy định về kiểm tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, điều đó gây khó khăn cho công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Đề nghị sửa đổi bổ sung theo hướng có xử phạt vi phạm hành chính khi không thực hiện việc sơ tuyển nghĩa vụ quân sự”.
 

Ảnh minh hoạ. 

Về nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:

- Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, một trong những căn cứ để quy định hành vi vi phạm hành chính là phải “có vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. 

Như vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý, về mặt nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật về trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước (văn bản quy phạm pháp luật về nội dung) phải được ban hành và có hiệu lực trước hoặc cùng thời điểm với văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước đó.

Theo ý kiến của Bộ Tư pháp khi thẩm định Nghị định số 37/2022/NĐ-CP, khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự chỉ là một bước trong hoạt động chuẩn bị cho việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, nội dung này chưa được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; do đó, Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã bãi bỏ Điều 5 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự để bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Về giải pháp, Bộ Quốc phòng trân trọng tiếp thu ý kiến của cử tri và chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.

Tác giả bài viết: MINH ÁNH

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây