1.Về trường hợp rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Tác giả Nguyễn Thái Nam - Thái Thị Mỹ Nga cho rằng, trường hợp một bên đương sự rút yêu cầu về thuận tình ly hôn, thì Tòa án phải lấy ý kiến bên đương sự còn lại có đồng ý về việc rút đơn hay không, trường hợp đồng ý thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, trường hợp không đồng ý, thì Tòa án phải đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.
Người viết cho rằng, quan điểm nêu trên của hai tác giả là không phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự và không đúng với bản chất của yêu cầu về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; bởi lẽ:
- Yêu cầu về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là một dạng việc dân sự, thuộc loại việc hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 2 Điều 29 của BLTTDS.
Điều 361 của BLTTDS quy định “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; ….”.
Theo quy định viện dẫn trên, thì việc dân sự nói chung và yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn nói riêng phải là trường hợp vợ chồng đồng thuận với nhau về việc giải quyết tất cả các vấn đề phát sinh trong quan hệ hôn nhân (hôn nhân, con, cấp dưỡng, tài sản chung và nghĩa vụ chung về tài sản), không có tranh chấp và việc nộp đơn đến Tòa án chỉ là để công nhận sự đồng thuận đó. Bất cứ một thay đổi nào dẫn đến không còn sự đồng thuận giữa vợ chồng về việc giải quyết các vấn đề phát sinh trên, thì sự kiện pháp lý mà các bên đang yêu cầu Tòa án công nhận sẽ không còn là sự kiện pháp lý đó nữa.
Do đó, trong “yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” đương sự rút yêu cầu giải quyết của mình sẽ dẫn đến sự thống nhất thỏa thuận của các bên về hôn nhân, con và tài sản chung không còn là chính nó nữa, sự đồng thuận đã bị phá vỡ, bản chất của việc hôn nhân và gia đình cũng đã bị thay đổi, từ việc thuận tình ly hôn nay thành việc một bên xin ly hôn, thì ngay khi nhận được yêu cầu rút đơn yêu cầu, Tòa án phải đình chỉ giải quyết việc hôn nhân và gia đình về công nhận thuận tình ly hôn và chuyển thành vụ án ly hôn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 366 và khoản 5 Điều 397 của BLTTDS.
- BLTTDS không có quy định nào về việc phải hỏi ý kiến của bên vợ chồng còn lại khi một bên vợ chồng rút đơn yêu cầu trong trường hợp cả vợ chồng đều cùng làm đơn yêu cầu giải quyết việc hôn nhân và gia đình.
Khoản 2 Điều 396 BLTTDS quy định: “Vợ, chồng cùng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn yêu cầu. Trong trường hợp này vợ, chồng cùng được xác định là người yêu cầu”;
Khoản 3 Điều 396 của BLTTDS quy định “Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là có căn cứ và hợp pháp”.
Việc xác định “vợ, chồng cùng là người yêu cầu” khi cùng ký đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản trong quy định tại khoản 2 của Điều luật chỉ là để xác định tư cách tố tụng của vợ, chồng trong việc quá trình giải quyết việc dân sự (nhằm phân biệt giữa người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), để từ đó xác định quyền và nghĩa vụ tương ứng với tư cách tố tụng của vợ chồng, chứ “Đơn yêu cầu” mà vợ, chồng cùng ký không phải và không mang tính chất như tài liệu chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, mà việc thay đổi hay bổ sung thỏa thuận đó bắt buộc phải có sự đồng ý của bên vợ chồng còn lại; đó là lý do mà khoản 3 của Điều luật quy định kèm theo đơn yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chính điều luật này đã phân biệt rõ ràng thủ tục khi yêu cầu giải quyết việc thuận tình ly hôn (phải làm đơn) với tài liệu chứng minh sự thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn của vợ chồng.
Hai tác giả đang nhầm lẫn giữa “một sự kiện pháp lý” đang yêu cầu Tòa án công nhận với “Đơn yêu cầu Tòa án công nhận sự kiện pháp lý” là thủ tục khi yêu cầu giải quyết việc dân sự, do đó, quan điểm về việc phải hỏi ý kiến của bên vợ chồng còn lại khi một bên vợ chồng rút đơn yêu cầu là không phù hợp và trái với quyền tự quyết, tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 của BLTTDS.
2. Về hậu quả pháp lý trong trường hợp rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Khoản 5 Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”.
Đối chiếu với quy định trên, thì hậu quả pháp lý của trường hợp đương sự rút đơn yêu cầu là “tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”.
Quy định tại khoản 5 Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, là quy định của pháp luật chuyên ngành về án phí, lệ phí của Tòa án và là quy định được ban hành sau so với quy định về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại Điều 218 của BLTTDS do hai tác giả đã viện dẫn.
Do đó, kể cả có áp dụng quy định tại Phần thứ sáu về thủ tục giải quyết việc dân sự để dẫn chiếu cho việc áp dụng quy định tại Điều 218 của BLTTDS như quan điểm của hai tác giả, thì việc cho rằng không sung vào công quỹ nhà nước số tiền tạm ứng lệ phí đã nộp khi đương sự rút đơn yêu cầu vừa là trái với quy định của pháp luật chuyên ngành về án phí, lệ phí Tòa án và vừa không đúng về nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, chính việc sung vào công quỹ nhà nước khoản tiền tạm ứng lệ phí mới mang ý nghĩa giúp đương sự ý thức hơn trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình và hạn chế những sự kiện không đáng đưa đến Tòa án mà vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết.
Vì vậy, đề xuất của hai tác giả cho rằng “cần quy định rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ việc xét đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự trong Phần thứ sáu về thủ tục giải quyết việc dân sự hoặc bãi bỏ quy định này trong Nghị quyết số 326 để bảo bảm sự thống nhất của pháp luật”, là không phù hợp.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi đối với bài viết về “Một số vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” đăng trên Tạp chí Tòa án điện tử ngày 16-8-2023, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý bạn đọc.
Tác giả bài viết: CAO THỊ THANH HUYỀN - PHẠM THỊ THANH VÂN (Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai)
Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn