Tội 'Tàng trữ trái phép chất ma túy và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam'

Thứ năm - 15/05/2025 05:57

(LSVN) - Tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" là tội phạm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội; trái với đạo đức, pháp luật và là cơ sở dẫn đến các tệ nạn xã hội và tội phạm khác. Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát tội phạm này từ hoàn thiện cơ sở pháp lý trong Bộ luật Hình sự đến các biện pháp phòng ngừa tại cộng đồng thì việc loại bỏ tội phạm này vẫn luôn là một thách thức. Bài viết tập trung nghiên cứu các yếu tố nhận diện và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện Bộ luật hình sự về tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý".

1. Đặt vấn đề

Tệ nạn ma tuý là vấn đề nghiêm trọng có tính chất toàn cầu của xã hội. Tại Việt Nam, tình hình tội phạm về ma tuý, đặc biệt là tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" diễn biến phức tạp và có xu hướng trẻ hoá đồng thời xuất hiện nhiều loại ma tuý mới, thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp thậm chí có sử dụng công nghệ cao. Tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" thuộc nhóm tội phạm xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội; xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ con người và sự phát triển bình thường của giống nòi dân tộc cần phải xử lý nghiêm minh nhằm răn đe, phòng ngừa tệ nạn ma tuý ngày càng lan rộng. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát tội phạm này nhưng trên thực tế số lượng tội phạm tàng trữ trái phép chất ma tuý ngày càng gia tăng. Hiện nay, quy định về dấu hiệu pháp lý và hình phạt của tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" theo Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015). Mặc dù quy định về tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại và diễn biến của tội phạm này. Bài viết tập trung nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý về tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" theo pháp luật hình sự Việt Nam và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Bộ luật Hình sự về tội phạm này.

2. Nhận diện tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" theo pháp luật Việt Nam

Với tính chất nguy hiểm của hành vi, việc nhận diện tội tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma tuý tại Việt Nam. Tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" thuộc nhóm “Các tội phạm về ma tuý” (Chương XX Bộ luật Hình sự 2015) được nhận diện thông qua các dấu hiệu pháp lý cơ bản sau:

Về khách thể của tội phạm

Bất cứ hành vi phạm tội nào cũng sẽ trực tiếp gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến một hay nhiều quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Đối với tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý", hành vi phạm tội xâm phạm đến chính sách thống nhất quản lý của Nhà nước về chất ma túy, trực tiếp là hoạt động tàng trữ chất ma túy; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm này là các chất ma tuý, tiền chất ma tuý và các nguyên liệu thực vật có chứa chất ma tuý. Ma tuý có khả năng gây nghiện cực lớn, việc lạm dụng ma tuý không chỉ làm suy thoái sức khoẻ của người sử dụng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Nhà nước xác lập chế độ thống nhất quản lý chất ma tuý, tiền chất ma tuý, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần để đảm bảo đời sống của người dân, ổn định xã hội. Để kiểm soát các chất ma tuý tốt hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP kèm theo danh mục về các chất ma tuý, tiền chất ma tuý.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này được thể hiện thông qua hành vi cất giấu, cất giữ bất hợp pháp chất ma túy ở bất cứ đâu mà không nhằm mục đích để buôn bán hay sản xuất, vận chuyển chất ma túy (1). Địa điểm thực hiện hành vi này thường phát hiện ở nhà, trong túi xách, quần áo mặc trên người, cất ở két sắt, trong phương tiện di chuyển….. Đây là tội phạm có cấu thành hình thức vì vậy tội phạm hoàn thành từ thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, thời gian người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ không có ý nghĩa với việc định tội danh dù người đó tàng trữ ma tuý một khoảng thời gian dài hay chỉ vài phút trước đó.
 

titi
Ảnh minh họa.



 

Hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý bị coi là trái phép khi việc tàng trữ đó thực hiện mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Một số trường hợp cất chất ma tuý nhưng không vi phạm pháp luật có thể kể đến như bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở cai nghiện hoặc các cơ quan nghiên cứu khoa học, phòng xét nghiệm được Nhà nước cho phép bảo quản chất ma tuý nhằm phục vụ mục đích công. Tuy nhiên, nếu cá nhân lợi dụng việc được cấp phép để tàng trữ trái phép chất ma tuý thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý", cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định tính chất nguy hiểm đáng kể của hành vi phạm tội. Theo đó, khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định một trong các trường hợp sau đây thì hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý bị xử lý hình sự: i) Người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tội danh này, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm; ii) Người phạm tội đã bị kết án về một trong các tội về tàng trữ trái phép chất ma tuý, mua bán trái phép chất ma túy, sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy hoặc chiếm đoạt chất ma tuý mà chưa được xoá án tích lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội; iii) Khối lượng chất ma tuý mà người đó tàng trữ ở mức định lượng tối thiểu đủ để truy cứu TNHS. Nếu một người đã bị Toà án kết án về một trong những tội danh trên về ma tuý, vẫn còn án tích mà thực hiện tàng trữ trái phép chất ma tuý thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 249. Về định lượng tối thiểu của chất ma tuý, khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

Trường hợp 1: Trường hợp người phạm tội tàng trữ một chất ma tuý

Định lượng tối thiểu khi tàng trữ một chất ma tuý sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự là: i) Các chất ma tuý có nguồn gốc tự nhiên: 01 gam đến dưới 500 gam đối với nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca; 10 kilogam đến dưới 25 kilogam đối với lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca; 5 kilogam đến dưới 50 kilogam với quả thuốc phiện khô; 01 kilogam đến dưới 10 kilogam quả thuốc phiện tươi; ii) Các chất ma tuý bán tổng hợp: 0,1 gam đến dưới 05 gam đối với Heroin, Cocain, iii) Các chất ma tuý tổng hợp: 0,1 gam đến dưới 05 gam đối với Methamphetamine, Amphetamine, MDMA; iv) Các chất ma túy khác: 01 gam đến dưới 20 gam đối với thể rắn và 10 mililít đến dưới 100 mililít đối với thể lỏng.

Trường hợp 2: Trường hợp người phạm tội tàng trữ hai chất ma tuý trở lên

Khi người phạm tội tàng trữ hai chất ma tuý trở lên, cần phải xác định tổng tỉ lệ phần trăm khối lượng hoặc thể tích từng chất so với mức tối thiểu từng chất đó và có thể cộng trọng lượng các chất ma tuý lại và so với quy định trong điều luật tương ứng để định lượng có thuộc trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 249 Bộ luật Hình sự. Theo đó, trong trường các chất ma tuý quy định tại các điểm khác nhau mà từng chất ma tuý có trọng lượng dưới mức tối thiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 249, tổng tỉ lệ phần trăm trọng lượng nhỏ hơn 100% , người phạm tội không có đặc điểm về “nhân thân xấu” (2) thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 249. Nếu tổng trọng lượng lớn hơn 100%, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản 1 Điều 249.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" là chủ thể thường, tức là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể về năng lực trách nhiệm hình sự mà gián tiếp xác định theo phương pháp loại trừ thông qua quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý trong khi mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều chỉnh hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, người tàng trữ trái phép chất ma tuý mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi do rượu, bia hoặc dùng chất kích thích vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ quy định khác còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại một số điều luật. Do đó, người đã đủ 16 tuổi thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý phải chịu trách nhiệm hình sự theo tất cả khung hình phạt tại Điều 249 tuỳ theo tính chất nguy hiểm và định lượng ma tuý. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tàng trữ trái phép chất ma tuý chỉ chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3, 4 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" nhận thức được rằng hành vi cất giấu bất hợp pháp chất ma tuý gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến chế độ quản lý thống nhất của nhà nước về chất ma tuý nhưng họ vẫn thực hiện hành vi đó. Vì vậy, yếu tố lỗi của tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" là lỗi cố ý trực tiếp, không tồn tại khả năng do lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý. Mục đích là dấu hiệu quan trọng để định tội danh của tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý". Người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý không có mục đích để mua bán, vận chuyển hay sản xuất chất ma tuý. Trường hợp người đó cất giấu ma tuý trái pháp luật với một trong ba mục đích trên, người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy) của Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Một số vấn đề đặt ra

Một là, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quyết định hình phạt theo từng khoản của Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015

Trước hết, quy định về định lượng chất ma tuý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" vẫn chưa đảm bảo công bằng. Tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" có 04 khung hình phạt với quy định định lượng chất ma tuý tăng dần làm căn cứ để quyết định hình phạt. Tuy nhiên, khoảng cách giữa định lượng mức tối thiểu với mức tối đa trong cùng một điểm khá lớn, dẫn đến việc quyết định hình phạt chưa đảm bảo tốt nhất quyền của người phạm tội.

Trước đây, Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cáo đã từng ra Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng chi tiết khoản 4, Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 về trường hợp áp dụng hình phạt hai mươi năm tù, tù chung thân và tử hình đối với Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý. Tuy nhiên, Nghị quyết trên chỉ mới hướng dẫn cụ thể quyết định hình phạt của khung hình phạt cao nhất của Điều này. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bãi bỏ hình phạt tử hình, tách tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" ra thành một tội danh độc lập nên Nghị quyết đã hết hiệu lực theo Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 8/10/2021. Vì vậy, cần ban hành văn bản hướng dẫn như Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP thì việc áp dụng hình phạt sẽ chính xác, tương ứng với hành vi và khối lượng, thể tích từng loại ma tuý người phạm tội tàng trữ.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự chỉ đưa ra quy định áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội danh này nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về áp dụng đối với tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý". Do đó, khi quyết định hình phạt, hội đồng xét xử có thể tuỳ nghi áp dụng trong khung quy định mà họ thấy phù hợp với pháp luật và thực tiễn nhưng có thể không đảm bảo được quyền và lợi ích của bị cáo. Hình phạt tiền trong quy định khoản 5 có khoảng cách lớn giữa số tiền phạt tối thiểu và số tiền phạt tối đa, gấp 100 lần .

Hai là, bổ sung định nghĩa về các chất ma tuý và rà soát, cập nhật các chất ma tuý mới trong Nghị định 57/2022/NĐ-CP

Các quy định về chất ma tuý có nguồn gốc tự nhiên như quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi hay bộ phận của cây có chứa chất ma tuý đều chưa có định nghĩa rõ ràng, mô tả chi tiết. Trên thực tế có những trường hợp rất khó để xác định đó là quả tươi hay quả khô, nhiều khi cơ quan giám định từ chối giám định vì không thể xác định được, không có căn cứ để kết luận. Về các bộ phận khác của cây có chứa chất ma tuý, vẫn còn vướng mắc liên quan đến việc nếu cơ quan điều tra phát hiện nghi ngờ về bộ phận của cây có chứa chất ma tuý thì chỉ cần xác định bộ phận và tên của loại cây rồi áp dụng điểm tương ứng hay phải xác định chất ma tuý có chứa trong bộ phận đó tương ứng với chất ma tuý. Vì vậy, cần bổ sung quy định về định nghĩa về các chất ma tuý để dễ cho việc định khung tội danh và hình phạt.

Không những thế, khi có một chất ma tuý được đưa vào danh mục các chất ma tuý cần kiểm soát thì ngay sau đó trên thị trường sẽ xuất hiện hàng loạt các chất ma tuý mới tương tự để trốn tránh sự kiểm soát của Nhà nước. DO đó, một số chất ma tuý mới hiện nay chưa được quy định trong Nghị định 57/2022/NĐ-CP và Nghị định 90/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma tuý và tiền chất ma tuý ban hành kèm Nghị định 57/2022/NĐ-CP như U48800 - một chất opiod (4) tổng hợp. Chất ma tuý này có khả năng giảm đau mạnh cùng với khả năng gây nghiện cao. Tại Việt Nam, chất này không có mẫu thử sẵn để giám định và chưa được quy định danh mục các chất ma tuý cho nên rất khó cho công tác giám định chất ma tuý. Do đó, Chính phủ cần thường xuyên rà soát, cập nhật các chất ma tuý mới vào Nghị định số 57/2022/NĐ-CP. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần theo dõi song song các chất ma tuý thuộc danh mục kiểm soát của Công ước quốc tế có liên quan để kịp thời đưa vào trong danh mục kiểm soát của Việt Nam. Việc bổ sung kịp thời, nhanh chóng không những góp phần phòng chống tốt tội phạm về ma tuý mà còn bảo đảm nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam khi là thành viên của các công ước quốc tế về kiểm soát các chất ma tuý.

Tóm lại, tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" là tội phạm có mức độ nguy hiểm cao, tác động tiêu cực đến trật tự quản lý xã hội và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của dân tộc. Vậy nên, hoàn thiện khung pháp lý quy định tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý" nói riêng và tội phạm nói chung là giải pháp cần thiết nhằm góp phần loại bỏ tệ nạn ma tuý và góp phần vào công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm về ma tuý.

[1] Điều 3 Mục II Phần các tội phạm cụ thể Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của BLHS năm 1999.

[2] Người phạm tội chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc chưa bị kết án một trong các tội phạm về ma tuý hoặc đã bị kết án nhưng được xoá án tích.

[3] Một nhóm thuốc giảm đau, bao gồm 02 nhóm: i) Nhóm có nguồn gốc tự nhiên chiết xuất từ cây thuốc phiện (morphin, opium, codein…) và ii) Nhóm có nguồn gốc tổng hợp (heroine, fentanyl, U48800,…).

 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp (2007), Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của BLHS năm 1999.

2. GS. TSKH. Lê Văn Cảm – PGS.TS. Trịnh Tiến Việt (2023), Giáo trình Luật Hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.

3. Chính phủ (2018), Nghị định quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma tuý tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.

4. Chính phủ (2022), Nghị định quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

5. Chính phủ (2024), Nghị định sửa đổi, bổ sung danh mục chất ma tuý và tiền chất ma tuý ban hành kèm Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma tuý và tiền chất.

6. Minh Nguyệt, (2023), Cảnh báo 02 chất mới tương tự ma túy lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam, Cổng thông tin điện tử huyện Ea H’leo.

https://eahleo.daklak.gov.vn/canh-bao-02-chat-moi-tuong-tu-ma-tuy-lan-dau-tien-phat-hien-tai-viet-nam-6479.html

7. Quốc hội (2017), Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

8. Quốc hội (2021), Luật Phòng, chống ma tuý, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

9. ThS. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học chuyên sâu Bộ luật hình sự Phần các tội phạm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.

12. Toà án nhân dân tối cao (2001), Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của các Điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật hình sự năm 1999.vv

Tác giả bài viết: TS.VŨ THỊ PHƯỢNG Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn TRƯƠNG MINH TRANG Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn tin: Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây