Tội "Cướp tài sản": Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng và phân biệt với một số tội phạm xâm phạm sở hữu khác

Thứ sáu - 18/07/2025 04:56

LSVN) - Tội "Cướp tài sản" là một trong những tội phạm nguy hiểm, không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của bị hại. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và dễ nhầm lẫn với các tội danh có yếu tố chiếm đoạt tài sản khác như tội "Cướp giật" hay tội "Cưỡng đoạt tài sản", việc xác định chính xác các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội "Cướp tài sản" là hết sức cần thiết. Trong bài viết, tác giả phân tích các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội "Cướp tài sản" theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), đồng thời so sánh, phân biệt tội danh này với một số tội phạm xâm phạm sở hữu khác nhằm góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn giải quyết vụ án.

Các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội "Cướp tài sản"

Khách thể của tội phạm: Tội "Cướp tài sản" đồng thời xâm phạm đến quan hệ nhân thân và sở hữu được pháp luật hình sự bảo vệ. Người phạm tội dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để làm cơ sở xâm phạm quan hệ sở hữu. Hay nói cách khác khách thể trực tiếp của tội phạm là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi phạm tội của tội Cướp tài sản được thể hiện ở một trong ba dạng hành vi sau:

- Hành vi dùng vũ lực;

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc;

- Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hành vi thứ nhất: Hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh thể chất hoặc vật chất (có hoặc không sử dụng công cụ, phương tiện) tác động đến thân thể của người bị tấn công (chủ sở hữu, người có trách nhiệm quản lý tài sản hoặc người khác mà người phạm tội cho rằng họ đã hoặc có khả năng ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản của mình). Hành vi dùng vũ lực có thể gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công. Việc dùng vũ lực có thể công khai, cũng có thể là bí mật, lén lút. Người bị tấn công là người đang quản lý, sử dụng, chiếm giữ tài sản, chủ tài sản…; việc quản lý, chiếm giữ, sử dụng tài sản này có thể là hợp pháp hoặc bất hợp pháp.

Về thời điểm, hành vi dùng vũ lực có thể diễn ra liền trước hoặc liền sau hành vi chiếm đoạt tài sản (Ví dụ: Đấm, đá, đâm, chém, người bị hại rồi chiếm đoạt tài sản hoặc đã lấy được tài sản nhưng bị bị hại giữ lại và người phạm tội đã dùng vũ lực ngay tức khắc để lấy lại bằng được tài sản đó).

xx62 14383253
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Hành vi thứ hai: Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, đó là hành vi đe dọa dùng ngay lập tức sức mạnh thể chất hoặc vật chất đối với người bị tấn công nếu người bị tấn công ngăn cản việc chiếm đoạt. Hành vi đe dọa này nhằm làm cho người bị tấn công tin và lo sợ việc nguy hại cận kề ngay đến tính mạng, sức khoẻ nếu kháng cự; họ hoàn toàn bị tê liệt ý chí.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc trong thực tế có thể là bằng lời nói, cử chỉ hoặc có thể là sự kết hợp đồng thời thái độ, cử chỉ, lời nói, công cụ, phương tiện có trên tay hoặc tương quan lực lượng như: Nhiều người đe dọa một người, lợi dụng hoàn cảnh khách quan, thời gian, địa điểm, tình hình xã hội nơi và lúc xảy ra hành vi để tạo nên cảm giác sợ hãi của người bị tấn công.

Hành vi thứ ba: Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được là những hành vi như: Cho người bị tấn công uống thuốc ngủ, thuốc mê, uống rượu để họ ngủ, say nhằm chiếm đoạt tài sản. Người bị tấn công không nhận thức được sự việc đang xảy ra hoặc có thể biết sự việc xảy ra nhưng bị tê liệt tinh thần, tê liệt sức kháng cự nên không thể thực hiện được hành vi chống trả việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Cần lưu ý, nếu người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thuộc mặt khách quan của tội phạm khác trong nhóm tội xâm phạm sở hữu nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội lại tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác làm cho họ không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản, thì trường hợp này đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội "Cướp tài sản".

Tội "Cướp tài sản" là loại tội có cấu thành tội phạm hình thức, người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong ba dạng hành vi khách quan nguy hiểm cho xã hội nêu trên nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản như mong muốn hay chưa.

Người phạm tội biết được người khác có được tài sản do phạm tội hoặc vi phạm pháp luật mà có mà lại dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản đó thì phạm tội "Cướp tài sản".

Ví dụ: A cướp được của B sợi dây chuyền vàng trị giá 10.000.000 đồng. Biết A có được tài sản này là do đi cướp được của người khác; trên đường A đi tiêu thụ thì bị C dùng vũ lực để lấy lại sợi dây chuyền vàng đó. Trường hợp này A và C đều phạm tội "Cướp tài sản"; trong đó B là bị hại của vụ thứ nhất; A là bị hại của vụ thứ 2 và là bị can của vụ thứ nhất; C là bị can trong vụ cướp thứ 2.

Người chuẩn bị phạm tội "Cướp tài sản" thì phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS). Chuẩn bị phạm tội "Cướp tài sản" được hiểu là hành vi tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm. Theo Điều 14 và khoản 5 Điều 168 Bộ luật Hình sự thì người chuẩn bị phạm tội "Cướp tài sản" từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu TNHS.

Chủ thể của tội "Cướp tài sản là người có năng lực TNHS và đạt từ đi 14 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi trong mặt chủ quan của tội Cướp tài sản là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ một trong ba dạng hành vi nêu trên là nguy hiểm cho xã hội, bị pháp luật cấm, nhưng họ vẫn mong muốn thực hiện để nhằm chiếm đoạt bằng được tài sản. Về mục đích, mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội "Cướp tài sản".

Phân biệt tội "Cướp tài sản" với một số tội phạm xâm phạm sở hữu khác

Phân biệt tội "Cướp tài sản" với tội "Cưỡng đoạt tài sản" (Điều 170 BLHS)

Trong nhóm các tội xâm phạm sở hữu, tội "Cướp tài sản" được quy định tại Điều 168 BLHS và tội "Cưỡng đoạt tài sản" được quy định tại Điều 170 BLHS là hai tội diễn ra khá phổ biến trên thực tế.

Vì cùng nằm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, nên tội "Cướp tài sản" và tội "Cưỡng đoạt tài sản" có một số điểm tương đồng, gây ra việc nhầm lẫn trong xác định tội danh giữa hai tội này trong thực tế. Do vậy, việc phân biệt hai tội phạm này là cần thiết để tránh tình trạng áp dụng pháp luật không chính xác.

TIÊU CHÍ TỘI "CƯỚP TÀI SẢN" TỘI "CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN"
Hành vi khách quan Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, hành vi khác để gây thiệt hại  “ngay tức khắc” đến người đang trực tiếp bị đe dọa, không chế. Hành vi đe dọa “sẽ” dùng vũ lực; dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của nạn nhân hoặc người thân thích khác của nạn nhân.
Tình trạng ý chí của nạn nhân Nạn nhân không có sự lựa chọn, bị tê liệt ý chí và tê liệt sự phản kháng, họ buộc phải để người phạm tội chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân chưa đến mức bị tê liệt ý chí; họ có điều kiện, thời gian suy nghĩ cân nhắc lựa chọn có kháng cự hoặc không kháng cự; có hay không trao tài sản cho người phạm tội.

Phân biệt tội "Cướp tài sản" với tội "Cướp giật tài sản" (Điều 171 BLHS)

Hai tội này khác nhau ở một số dấu hiệu cơ bản sau đây:

TIÊU CHÍ TỘI CƯỚP TÀI SẢN TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN
Khách thể Xâm phạm quyền sở hữu tài sản và quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe. Xâm phạm quyền sở hữu tài sản nhưng có thể có hoặc không xâm phạm quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe.
Hành vi khách quan Hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được (đè bẹp sự kháng cự) nhằm chiếm đoạt tài sản. Không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào khác nhằm làm tê liệt sự chống cự của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản; chỉ lợi dụng sự sơ hở của nạn nhân, nhanh chóng chiếm đoạt, nhanh chóng lần tránh mà không có ý thức đối đầu với nạn nhân.  

Ví dụ: Do cần tiền tiêu xài, A bàn với B tìm tài sản lấy trộm bán tiêu xài, A và B ghé vào quán nước của E uống nước, nhìn thấy trên cổ E có đeo một sợi dây chuyền vàng. A giả vờ gọi chị E để tính tiền, đợi lúc E mất cảnh giác, bất ngờ A dùng tay phải xô mạnh vào vai E, đánh vào cằm làm E ngã ngửa rồi dùng tay giật lấy sợi dây chuyền rồi lên xe do B điều khiển tẩu thoát.

Trường này cần xác định hành vi của A, B phạm tội "Cướp giật tài sản" quy định tại Điều 171 BLHS, bởi: Hành vi chiếm đoạt dây chuyền của A được thực hiện một cách công khai và nhanh chóng tẩu thoát. Ý thức công khai, nhanh chóng của A khi thực hiện hành vi chiếm đoạt được dây chuyền sẽ nhanh chóng lên xe do B điều khiển để bỏ chạy. E không có điều kiện để phản ứng kịp thời, ngăn cản việc chiếm đoạt.

Trường hợp chuyển hóa từ tội “Cướp giật tài sản” sang “Cướp tài sản”

Ví dụ: Vào Khoảng 00 giờ ngày 14/7/2025, A điều khiển xe mô tô khu vực ngõ 91 đường X, phường Y, Thành phố H thì phát hiện chị B đeo 01 túi xách đi vào ngõ. Thấy vậy nên A dừng xe, tắt máy và đi bộ đến tiếp cận và dùng tay trái giật chiếc túi xách của chị B. Chị B phản ứng và hô “Cướp” và giằng lại túi xách với A. Lúc này, A dùng tay đánh vào mặt chị B làm chị B ngã xuống đường, sau đó A tiếp tục dùng tay đè và đánh vào đầu chị B để giật túi xách rồi bỏ chạy cùng với túi xách đã chiếm đoạt được.

Từ vụ án trên cho thấy, lúc đầu A chỉ có ý định cướp giật túi xách của chị B, tuy nhiên, khi chị B kháng cự, giữ lại túi xách, A đã có hành vi dùng vũ lực khống chế chị B để lấy tài sản. Trường hợp “kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…”.

Trong trường hợp này hành vi của A đã cấu thành tội “Cướp tài sản”; đây là trường hợp chuyển hóa tội phạm từ tội “Cướp giật tài sản” sang tội “Cướp tài sản”.

Tác giả bài viết: ANH DŨNG

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây