Căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thủ tục ly hôn thuận tình như sau:
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Hồ sơ làm thủ tục ly hôn thuận tình bao gồm:
- Hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Đơn xin xác nhận nơi cư trú của 2 vợ chồng;
+ CMND và hộ khẩu (bản sao y chứng thực);
+ Giấy khai sinh các con (bản sao);
+ Các giấy tờ khác chứng minh sở hữu tài sản(nếu có);
+ Biên bản cam đoan lựa chọn Tòa Án nhân dân nơi sinh sống của vợ hoặc chồng giải quyết (nếu vợ hoặc chồng sinh sống và làm việc ở hai nơi khác nhau).
Hồ sơ làm thủ tục ly hôn thuận tình của vợ chồng gồm các giấy tờ gì? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 4 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn như sau:
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
+ Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
+ Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
Quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật ngay, các bên không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Như vậy, điều kiện để yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là vào thời điểm viết đơn, ký đơn, gửi đơn, vợ chồng cùng tự nguyện ly hôn và đã thoả thuận về việc:
- Đồng ý chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai bên;
- Quyền trực tiếp nuôi con, cấp dưỡng (hoặc tự nguyện không yêu cầu tòa giải quyết);
- Tài sản chung và nợ chung.
Nội dung thỏa thuận của vợ chồng cũng được xem xét sao cho bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người vợ và người con khi ly hôn.
Tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:
Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.
Trân trọng!
Tác giả bài viết: Thư Viện Pháp Luật
Nguồn tin: Theo Thư viện Pháp luật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn