Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Thứ sáu - 30/08/2024 03:38
(Luật Pháp Lý)- Sau khi nghiên cứu bài viết về “Một số vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn” của tác giả Nguyễn Thái Nam - Thái Thị Mỹ Nga đăng ngày 16/8/2024, chúng tôi có ý kiến trao đổi về các vấn đề bài viết đặt ra.
Trao đổi về vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

1. Về trao đổi một số vướng mắc được nêu trong bài viết

Thứ nhất, chúng tôi thống nhất với quan điểm khi giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án bắt buộc phải mở phiên hòa giải và phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ. Bởi lẽ, khoản 2 Điều 397 BLTTDS năm 2015 đã quy định rất rõ ràng “Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình”. Chúng tôi cũng thống nhất với quan điểm, trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, thì Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành. Bởi lẽ, BLTTDS năm 2015 cũng đã quy định rõ, trường hợp hoà giải không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sử thoả thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS năm 20151. Một trong những căn cứ để Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo Điều 212 của BLTTDS năm 2015 là dựa trên biên bản hòa giải thành, cụ thể là biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành trong giải quyết vụ việc hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, về hậu quả pháp lý trong trường hợp rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự, chúng tôi cho rằng không có sự mẫu thuẫn giữa BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14) liên quan đến số tiền tạm ứng lệ phí sẽ được trả cho đương sự hay được sung vào công quỹ Nhà nước như tác giả bài viết đề cập.

Bởi lẽ, án phí và lệ phí là hai khoản thu khác nhau, pháp luật phân biệt rất rõ ràng và thông thường lệ phí sẽ được tạm ứng thấp hơn so với tạm ứng án phí. Chúng tôi không thống nhất với quan điểm của tác giả cho rằng “không sung vào công quỹ nhà nước số tiền tạm ứng lệ phí đã nộp”, vì điều này là chưa phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật, bởi lẽ, trong trường hợp này, khoản 5 Điều 18 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 đã quy định: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366, Điều 382, khoản 3 Điều 388, khoản 3 Điều 392 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí Tòa án đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước”. Tuy nhiên, quy định này cũng cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất, sửa đổi cho phù hợp.

Đồng thời, tác giả bài viết đang có sự nhầm lẫn giữa trường hợp rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự và trường hợp đương sự đoàn tụ. Tác giả bài viết nêu “vì ý nghĩa của án phí, lệ phí là giúp người dân tự ý thức hơn trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình, hạn chế những sự kiện không đáng đưa đến Tòa án mà vẫn yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết việc dân sự (đoàn tụ) thì phải trả lại cho người yêu cầu số tiền tạm ứng lệ phí đã nộp”.

Căn cứ đình chỉ trong trường hợp rút đơn yêu cầu và đoàn tụ là khác nhau, tác giả bài viết giải thích lý do các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết việc dân sự (đoàn tụ) thì phải trả lại cho người yêu cầu số tiền tạm ứng lệ phí để chứng minh, viện giải cho trường hợp rút đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là chưa hợp lý2.

2. Về bổ sung vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Ngoài một số vướng mắc trong việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn như bài viết nêu, chúng tôi bổ sung thêm vướng mắc xử lý tiền tạm ứng án phí trong trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Theo khoản 5 Điều 397 BLTTDS năm 2015 quy định “Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định”.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định “Trường hợp đình chỉ việc dân sự và thụ lý vụ án để giải quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng dân sự giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.

Theo mục 5 phần III Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử hướng dẫn: khi giải quyết vụ án, Tòa án phải xác định tư cách tố tụng của các đương sự, theo đó, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 146 của BLTTDS. Trường hợp đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí thì được khấu trừ số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp; nếu chưa đủ thì phải nộp phần còn thiếu; trường hợp đương sự không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp sẽ được giải quyết khi Tòa án quyết định án phí. Như vậy, theo quy định và hướng dẫn nêu trên giữa số tiền tạm ứng lệ phí và tiền tạm ứng án phí, án phí có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 397 BLTTDS 2015 thì bắt buộc Tòa án phải đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.

Vấn đề đặt ra, trường hợp nguyên đơn không nộp phần tạm ứng án phí còn thiếu sau khi đã khấu trừ số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự đã nộp thì được xử lý như thế nào? Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 “Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án thì mỗi người phải nộp 50% mức tiền tạm ứng lệ phí Tòa án”. Do đó, có thể xảy ra trường hợp vợ, chồng mỗi người phải nộp 50% (tức mỗi người phải nộp 150.000 đồng) mức tiền tạm ứng lệ phí Tòa án. Nhưng sau khi chuyển sang vụ án thì nguyên đơn phải tạm ứng án phí bằng với mức án phí không có giá ngạch, tức nguyên đơn phải tạm ứng 300.000 đồng. Như vậy, theo hướng dẫn nêu trên thì nguyên đơn phải nộp phần còn thiếu là 150.000 đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nguyên đơn không nộp số tiền tạm ứng án phí còn thiếu, hiện nay, vấn đề này còn có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp này, Tòa án sẽ không thụ lý vụ án và sẽ trả lại đơn yêu cầu cho đương sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 195 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện đã nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Vì vậy, nếu nguyên đơn không hoàn thành nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí cho phần còn thiếu, Thẩm phán sẽ không thụ lý vụ án và sẽ trả lại đơn yêu cầu cho đương sự.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của chúng tôi), trong trường hợp này, Tòa án vẫn phải thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Pháp luật không quy định rằng việc nguyên đơn không nộp tạm ứng án phí đối với phần còn thiếu sẽ dẫn đến việc vụ án không được thụ lý. Thay vào đó, Tòa án phải tuân theo các nguyên tắc chung của tố tụng dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Điều này tương tự như trường hợp nguyên đơn đã nộp tạm ứng chi phí giám định, định giá tài sản, nhưng sau đó khi có kết quả giám định hoặc định giá, chi phí cao hơn số tiền tạm ứng và nguyên đơn không nộp bổ sung theo yêu cầu của Tòa án. Theo hướng dẫn tại mục 2 phần I Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của TANDTC, Tòa án vẫn không đình chỉ giải quyết vụ án. Do đó, trong trường hợp nêu trên, khi giải quyết vụ án, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định pháp luật để xác định nghĩa vụ chịu án phí của đương sự. 

Tác giả bài viết: CHÂU THANH QUYỀN (TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) - ĐÀM NHÂN TRÁC (TAND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

Nguồn tin: Theo Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây