Vấn đề lao động cho thuê lại ở Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển và hội nhập quốc tế. Sự xuất hiện của các ngành công nghiệp mới và sự gia tăng của dự án xây dựng và sản xuất đã tạo ra nhu cầu lớn cho lao động thuê lại. Tuy nhiên, tình hình này cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm điều kiện làm việc không tốt, quyền lợi của người lao động bị vi phạm và sự không ổn định trong công việc. Đặc điểm chính của vấn đề lao động cho thuê lại ở Việt Nam là sự tăng cường và đa dạng hóa của người lao động thuê lại, từ lao động nông nghiệp đến lao động trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Mặc dù đóng góp của họ đối với sự phát triển kinh tế là rất lớn, nhưng họ thường đối mặt với điều kiện làm việc kém và không có quyền lợi bảo vệ. Người lao động cho thuê lại thường thiếu quyền tham gia vào các chương trình bảo hiểm xã hội và thường xuyên không được đối xử công bằng. Tác giả muốn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động cho thuê lại và bảo vệ quyền của họ. Điều này không chỉ tạo ra môi trường làm việc tích cực hơn mà còn đóng góp vào sự ổn định của ngành công nghiệp và sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, việc nâng cao quyền lợi và điều kiện làm việc cho người lao động cho thuê lại cũng có thể giúp giảm thiểu xung đột lao động và tăng cường hài lòng của họ, từ đó tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn. Phác thảo sơ lược về các giải pháp dự kiến bao gồm việc đề xuất cải thiện quyền lợi và điều kiện làm việc cho người lao động cho thuê lại thông qua việc thiết lập các chính sách và quy định cụ thể.
Ngoài ra, cần thiết phải tăng cường giám sát và tuân thủ quyền lao động để đảm bảo rằng các quy định này được thực thi một cách hiệu quả. Cuối cùng, việc đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho người lao động cho thuê lại có thể giúp họ nâng cao trình độ và kỹ năng, từ đó cải thiện cơ hội nghề nghiệp và thu nhập của họ. Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về các khía cạnh này, dựa trên nghiên cứu cụ thể và dữ liệu thu thập từ thực tế, để đóng góp vào việc nâng cao tình hình lao động cho thuê lại ở Việt Nam và đảm bảo rằng người lao động trong ngành này có một tương lai tốt hơn
Thực trạng lao động cho thuê lại ở Việt Nam hiện nay
Khái niệm lao động cho thuê lại
Theo định nghĩa tại Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019 cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.
Nguyên tắc hoạt cho thuê lại được quy định tại Điều 53 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
- Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
- Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
+ Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định.
+ Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện hiện nghĩa vụ công dân.
+ Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
- Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
+ Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
+ Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
- Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Đánh giá tình hình lao động cho thuê lại
Việc gia tăng hoạt động cho thuê lại lao động bắt nguồn từ chính nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, loại hình lao động này là một phần quan trọng trong phương thức kinh doanh của họ tại các nước khác. Đặc biệt, lao động phái cử càng có ý nghĩa lớn đối với những doanh nghiệp có quy mô sản xuất thay đổi nhiều tùy thuộc vào các thời điểm khác nhau trong năm. Phần lớn những công ty này duy trì một chiến lược toàn cầu là giữ số lượng lao động trực tiếp ở một mức tối thiểu. Trong những giai đoạn sản xuất tăng cường, họ dựa vào lực lượng lao động cho thuê lại ngắn hạn.
Một lý do khác khiến nhiều doanh nghiệp thích hình thức lao động này xuất phát từ những vị trí ngắn hạn không đòi hòi công ty phải duy trì nhân viên thường xuyên. Dịch vụ kế toán cho báo cáo tài chính hoặc phiên dịch là những ví dụ điển hình.
Ngành công nghiệp chính mà họ tham gia bao gồm nông nghiệp, công nghiệp chế biến và xây dựng. Các công nhân cho thuê lại thường được sử dụng trong các ngành sản xuất, xây dựng các dự án hạ tầng lớn và làm việc trong nông nghiệp. Ngoài ra, họ cũng thường xuất khẩu lao động sang các quốc gia khác, chủ yếu là các nước trong khu vực Đông Á và Trung Đông.
Phân tích các vấn đề chính mà người lao động cho thuê lại gặp phải
Người lao động cho thuê lại ở Việt Nam đối diện với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có:
- Điều kiện làm việc kém: Người lao động cho thuê lại thường phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày để kiếm đủ sống. Thời gian làm việc dài có thể gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống gia đình của họ. Chế độ nghỉ ngơi hạn chế, một số người lao động không được hưởng chế độ nghỉ phép hoặc họ chỉ được nghỉ ngày nghỉ lễ cơ bản. Điều này khiến họ khó có thời gian nghỉ và tạo áp lực lớn trong cuộc sống hàng ngày.
Một số người lao động cho thuê lại làm việc trong các ngành công nghiệp nguy hiểm như xây dựng, mỏ, và chế biến. Điều này đặt họ vào tình huống nguy cơ tai nạn lao động cao hơn.
Các công việc thường đòi hỏi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, như làm việc dưới thời tiết xấu, tại những nơi xa lạ, và thậm chí làm thêm giờ quá mức.
- Mức lương thấp: Mức lương của người lao động cho thuê lại thường thấp hơn so với mức lương tối thiểu cần để đảm bảo cuộc sống cơ bản. Họ thường phải sống với thu nhập hàng tháng chỉ đủ để trang trải nhu cầu thiết yếu. Mức lương thấp khiến họ khó có thể đảm bảo một cuộc sống thoải mái, chi trả cho giáo dục của con cái, hoặc tiết kiệm cho tương lai.
- An toàn lao động yếu: Nguy Cơ Tai Nạn Lao Động: Người lao động cho thuê lại thường làm việc trong môi trường nguy hiểm như các công trường xây dựng hoặc nhà máy sản xuất. Điều này tạo ra nguy cơ tai nạn lao động cao hơn, và họ thường không được bảo vệ đầy đủ. Nhiều người lao động không được đào tạo đầy đủ về an toàn lao động hoặc không được cung cấp thiết bị bảo hộ, làm tăng nguy cơ bị thương trong quá trình làm việc.
- Quyền lợi xã hội hạn chế: Một số người lao động không được tham gia vào các chương trình bảo hiểm xã hội, điều này đồng nghĩa họ không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm y tế, thất nghiệp, và hưu trí. Khó khăn trong bảo hiểm y tế như mức bảo hiểm y tế hạn chế hoặc không đáp ứng đầy đủ chi phí chữa trị, làm cho người lao động cho thuê lại gặp khó khăn khi mắc bệnh hoặc cần điều trị.
Những vấn đề này đòi hỏi sự quan tâm từ phía chính phủ, các tổ chức xã hội, và ngành công nghiệp để cải thiện điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động cho thuê lại ở Việt Nam. Điều này có thể đảm bảo rằng họ có môi trường làm việc an toàn hơn, mức thu nhập tối thiểu hợp lý, và quyền lợi xã hội được đảm bảo, góp phần tạo điều kiện sống tốt hơn cho họ và gia đình,
Quyền lao động là một khía cạnh quan trọng của cuộc sống công dân và sự phát triển bền vững của một xã hội. Trong ngữ cảnh của người lao động cho thuê lại ở Việt Nam, việc đảm bảo quyền lao động và tránh phân biệt đối xử trong công việc trở thành một mục tiêu quan trọng để bảo vệ đối tượng yếu thế này.
- Thiếu quyền tự do tổ chức và tham gia hợp đồng lao động:
Một số người lao động cho thuê lại gặp khó khăn trong việc tự do tổ chức và tham gia hợp đồng lao động. Việc này có thể bị kiểm soát bởi các nhà tuyển dụng hoặc các tổ chức trung gian.
Sự thiếu quyền tự do tổ chức và tham gia có thể gây mất cân bằng quyền lợi và quyền lựa chọn của họ trong quá trình làm việc.
- Khó khăn trong học hỏi và phát triển nghề nghiệp
Một số người lao động cho thuê lại có trình độ học vấn thấp và thiếu cơ hội để học hỏi và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Điều này có thể hạn chế khả năng của họ thăng tiến trong công việc hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề có triển vọng cao hơn.
Phân tích này chỉ ra rằng việc cải thiện điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động cho thuê lại là một ưu tiên quan trọng trong nỗ lực xây dựng một môi trường lao động công bằng và bền vững tại Việt Nam.
Một số ý kiến đề xuất
Cải thiện mức lương cơ bản: Mới đây, ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 01/7/2023. Như vậy, mức lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 01/7/2023 tăng 20,8% so với mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP). Việc tăng mức lương tối thiểu sẽ giúp người lao động cho thuê lại có thu nhập đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống, nhà cửa, và giáo dục cho con cái. Điều này giúp giảm căng thẳng tài chính và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ tạo động lực làm việc tốt hơn cho người lao động khi nhận được mức lương tối thiểu cao hơn, họ thường có động lực làm việc chăm chỉ hơn. điều này có thể tạo ra hiệu suất làm việc tốt hơn và cải thiện sản xuất lao động họ có thể có thời gian nghỉ ngơi và giữ được sức khỏe tốt hơn. Với thu nhập ổn định hơn, người lao động cho thuê lại có thể tập trung vào việc phát triển kỹ năng và tiết kiệm để tạo nền tảng cho tương lai cá nhân, bao gồm việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp khác hoặc khởi đầu doanh nghiệp cá nhân. Tuy nhiên, cần xem xét cẩn thận về việc tăng mức lương tối thiểu để đảm bảo rằng nó không gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể đòi hỏi chính phủ thực hiện cơ chế kiểm soát và điều tiết thích hợp để đảm bảo sự cân đối giữa lợi ích của người lao động và sự phát triển của kinh tế. Ngoài ra, việc xem xét định kỳ và điều chỉnh mức lương tối thiểu dựa trên sự thay đổi của chi phí sinh hoạt và tỷ lệ lạm phát cũng là một phần quan trọng của việc duy trì tính bền vững của giải pháp này.
Đào tạo an toàn lao động: Đào tạo an toàn lao động là một phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ sức khỏe của người lao động cho thuê lại. Chính phủ và các tổ chức có thể đầu tư vào đào tạo an toàn lao động để giảm nguy cơ tai nạn lao động trong các ngành công nghiệp nguy hiểm, giảm nguy cơ tai nạn lao động, giúp nâng cao nhận thức về các nguy cơ và mối nguy hiểm trong quá trình làm việc. Người lao động cho thuê lại sẽ biết cách phát hiện và tránh các tình huống nguy hiểm, giúp giảm nguy cơ tai nạn lao động. Để tạo môi trường làm việc an toàn đào tạo an toàn lao động không chỉ dành cho người lao động mà còn cho các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Điều này giúp tạo môi trường làm việc an toàn và đảm bảo rằng cả người lao động và người quản lý đều tuân thủ các quy tắc an toàn. Những người lao động được đào tạo về an toàn thường làm việc có hiệu quả hơn. Họ không chỉ giữ gìn sức khỏe tốt hơn mà còn làm việc chính xác và tỉ mỉ hơn, giúp tăng sản xuất và giảm thất thoát.
Ngoài ra, đào tạo an toàn lao động có thể giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định và pháp luật về an toàn lao động, việc tuân thủ pháp luật này giúp tránh được các khoản phạt và xử lý vụ việc đền bù phát sinh. Một khi doanh nghiệp quan tâm đến an toàn lao động thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm xã hội cao, điều này có thể tạo ấn tượng tích cực đối với khách hàng, nhà đầu tư và người lao động, bảo vệ thương hiệu công ty. Tuy nhiên, để đảm bảo đào tạo an toàn lao động có hiệu quả, cần xác định rõ nhu cầu của từng ngành công nghiệp và tùy chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Chính phủ, cùng với các tổ chức và doanh nghiệp, cần hợp tác để đảm bảo rằng người lao động cho thuê lại được hưởng các chương trình đào tạo an toàn lao động chất lượng và dễ tiếp cận.
Đảm bảo quyền lợi xã hội cho người lao động cho thuê lại là một khía cạnh quan trọng trong việc cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo sự công bằng trong hệ thống lao động. Dưới đây là một số lợi ích của việc đảm bảo quyền lợi xã hội cho người lao động cho thuê lại:
Bảo đảm quyền lợi xã hội: Bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí giúp người lao động cho thuê lại và gia đình họ tránh được tình huống tài chính khó khăn khi đối diện với chi phí y tế không mong muốn hoặc khi về hưu, đảm bảo rằng người lao động có quyền truy cập các dịch vụ y tế cơ bản và chăm sóc sức khỏe. Điều này giúp duy trì sức khỏe tốt và tăng khả năng làm việc, cũng như bảo bảo cung cấp một nguồn thu nhập ổn định cho người lao động khi họ về hưu, giúp họ duy trì cuộc sống thoải mái và không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu nhập từ công việc hiện tại, nâng cao tính công bằng trong xã hội.
Kết luận
Tình hình lao động cho thuê lại ở Việt Nam có sự gia tăng đáng kể về số lượng công nhân cho thuê lại điều này phản ánh sự tăng cường của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu về lao động trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, người lao động cho thuê lại ở Việt Nam đối diện với nhiều vấn đề quan trọng như điều kiện làm việc kém, mức lương thấp, an toàn lao động yếu, và quyền lợi xã hội hạn chế là những vấn đề chính mà họ phải đối mặt.
Để giải quyết các vấn đề này Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách lao động và xã hội để cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ quyền lao động cho người lao động cho thuê lại, về phía doanh nghiệp: Hiểu rõ hơn về tình hình lao động cho thuê lại giúp doanh nghiệp quản lý nguồn nhân lực hiệu quả hơn và tuân thủ các quy định liên quan đến quyền lao động, về mặt Xã hội tạo ra sự nhận thức về vấn đề lao động cho thuê lại và thúc đẩy thay đổi xã hội đối với quyền lao động và điều kiện làm việc. Nhận thức về những vấn đề này có thể dẫn đến sự cải thiện đáng kể trong điều kiện làm việc và quyền lợi của người lao động cho thuê lại ở Việt Nam, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Tài liệu tham khảo 1. Bộ luật lao động năm 2019 số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019. 2. Nghị định 24/2023/NĐ-CP. 3. Nghị định 38/2019/NĐ-CP. 4. National Report on Labour and Employment. (Nhiều năm) - Tổng cục Quản lý lao động - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam. Báo cáo hàng năm này cung cấp thông tin về tình hình lao động và việc làm tại Việt Nam, bao gồm cả số lượng công nhân và các vấn đề liên quan đến lao động cho thuê lại. 5. ILO Vietnam Labor Market Bulletin. (Nhiều số) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các số này chứa thông tin về thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến lao động ở Việt Nam. |
Tác giả bài viết: Thạc sĩ, Luật sư THÁI THANH VÂN
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn