Chi phí tố tụng dân sự: Quy định pháp luật và áp dụng thực tiễn

Chủ nhật - 28/07/2024 10:13
(Luật Pháp Lý) - Chi phí tố tụng là một chế định truyền thống trong tố tụng dân sự Việt Nam, được hiểu đó là các chi phí mà người nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự phải nộp để tòa án giải quyết các yêu cầu của họ trong vụ án, việc dân sự. Bài viết tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến chi phí tố tụng dân sự và một số vấn đề đặt ra qua thực tiễn áp dụng, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
Chi phí tố tụng dân sự: Quy định pháp luật và áp dụng thực tiễn

Khái quát chung

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết số 326), án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Ngoài ra, án phí dân sự còn được tính trong trường hợp tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự (khoản 1 Điều 21 Nghị quyết số 326). Mức án phí tòa án được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết này.

 

Ảnh minh hoạ.

Các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm: án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch; án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch(1); án phí dân sự phúc thẩm.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: lệ phí bao gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của tòa án, lệ phí nộp đơn yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự, lệ phí giải quyết việc dân sự và các khoản lệ phí khác mà luật có quy định (khoản 4 Điều 143).

Theo Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 thì lệ phí giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29; khoản 1 và khoản 6 Điều 31; khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Pháp luật Việt Nam quy định mức thu án phí, lệ phí vừa phải, hợp lý. Việc thu án phí, lệ phí chỉ nhằm buộc các đương sự chịu một phần chi phí của Nhà nước cho việc giải quyết vụ việc dân sự của toà án nên mức thu án phí, lệ phí ở mức mọi người đều có thể nộp được, không hạn chế việc tham gia tố tụng của họ. Ngoài ra, trong trường hợp hoàn cảnh của đương sự có khó khăn thì tùy từng trường hợp được tòa án cho miễn nộp một phần hoặc toàn bộ án phí, lệ phí. Ở một số vụ việc dân sự, pháp luật còn quy định miễn án phí, lệ phí cho đương sự.

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định các khoản chi phí tố tụng khác tại Mục 2 Chương IX (từ Điều 151 đến Điều 168), trong đó quy định về các khoản thu chi khác như: chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định; tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản, chi phí định giá tài sản; xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản…

Ngoài các chi phí nêu trên, chi phí tố tụng còn bao gồm: chi phí sử dụng thông tin (phí khai thác thông tin, thu thập chứng cứ), phí luật sư, phí giám định, phí phiên dịch, phí công chứng, án phí (tòa án) lệ phí (trọng tài), nghĩa vụ bảo đảm (khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời), chi phí đi lại, sao chép tài liệu, chi phí liên lạc…

Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự (vụ án dân sự, việc dân sự), vẫn còn những vướng mắc liên quan đến vấn đề án phí, lệ phí, chi phí tố tụng khác cần được tháo gỡ như sau:

Về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác

Điểm e khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 quy định: trường hợp các đương sự có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng, tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng.

Quy định này có thể hiểu như sau: Trường hợp vợ chồng có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác mà nếu vợ chồng không thỏa thuận được hết việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng. Đối với án phí nghĩa vụ tài sản chung của vợ chồng đối với người khác thì đã có quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với án phí chia toàn bộ tài sản chung của vợ chồng thì hiện có hai cách tính khác nhau.

Cách thứ nhất: Vợ chồng chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng giá trị phần tài sản mà họ thực tế được hưởng sau khi trừ đi nghĩa vụ tài sản của họ đối với người khác. Bởi khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng. Cách tính này cũng tương tự như hướng dẫn trước đây của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị quyết số 01/2012/NQ- HĐTP ngày 13/6/2012 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí tòa án.

Cách tính thứ hai: Vợ chồng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng giá trị phần tài sản mà họ được chia nhưng không trừ đi nghĩa vụ tài sản của họ đối với người khác. Bởi lẽ, tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng và tranh chấp nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người khác là hai quan hệ pháp luật khác nhau, bản chất sự việc khác nhau. Không phải lúc nào vợ chồng cũng được chia tài sản như nhau và có nghĩa vụ tài sản đối với người khác như nhau. Nếu tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng sau khi trừ đi nghĩa vụ tài sản thì có trường hợp nghĩa vụ tài sản nhiều hơn giá trị tài sản mà vợ chồng được chia nên vợ chồng không phải chịu án phí chia tài sản chung của vợ chồng mặc dù họ được tòa án chia tài sản chung.

Một vướng mắc khác về tính án phí chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ tài sản đối với người khác, đó là trong trường hợp vợ chồng có tranh chấp về việc chia tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng đối với người khác nhưng vợ chồng tự thỏa thuận được việc phân chia toàn bộ số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung đối với người khác thì họ phải chịu án phí được tính như thế nào? Tòa án có thể áp dụng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326 hay không và áp dụng cách tính nào?

Về tính án phí trong trường hợp đương sự chỉ thỏa thuận được một số yêu cầu của vụ án

Thực tiễn cho thấy, có những vụ án đương sự chỉ thỏa thuận được một hoặc một số yêu cầu mà không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu đưa vụ án ra xét xử thì án phí cho yêu cầu đương sự đã thỏa thuận được trước khi đưa vụ án ra xét xử được tính như thế nào.

Ví dụ, trong vụ án ly hôn, nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận được việc ly hôn, trả nợ chung cho người có yêu cầu độc lập nhưng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp này, án phí ly hôn và án phí đối với nghĩa vụ trả nợ được tính như thế nào? Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, có thể hiểu theo hai hướng sau:

Thứ nhất, do các đương sự không thỏa thuận được việc giải quyết toàn bộ vụ án nên tòa án đã đưa vụ án ra xét xử. Vì vậy, các đương sự phải chịu toàn bộ án phí theo quy định chung như các vụ án thông thường khác.

Thứ hai, việc tòa án đưa vụ án ra xét xử là do nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, đây là vụ án hôn nhân và gia đình nên trong vụ án có nhiều yêu cầu hoàn toàn độc lập với nhau. Trong đó, có những yêu cầu các đương sự đã thỏa thuận được trước khi mở phiên tòa như yêu cầu ly hôn, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung. Do đó, nguyên đơn và bị đơn chỉ phải chịu 50% án phí dân sự đối với yêu cầu ly hôn và 50% án phí đối với số tiền phải trả nợ như trong trường hợp hòa giải thành.

Về tính án phí trong trường hợp bị đơn trong vụ án ly hôn có yêu cầu chia tài sản

Thực tiễn giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình hiện nay cho thấy, có trường hợp nguyên đơn không yêu cầu chia tài sản nhưng bị đơn có yêu cầu chia tài sản. Nếu yêu cầu của bị đơn không được tòa án chấp nhận thì bị đơn có phải chịu án phí không. Nếu bị đơn phải chịu án phí thì án phí là bao nhiêu. Vấn đề này hiện nay vẫn còn các cách hiểu khác nhau.

Thứ nhất, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định: bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần yêu cầu phản tố không được tòa án chấp nhận; điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 cũng quy định: các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Nghị quyết này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia. Như vậy, nếu yêu cầu chia tài sản chung của bị đơn được tòa án chấp nhận thì bị đơn phải chịu án phí có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà bị đơn được chia và nếu yêu cầu chia tài sản của bị đơn không được tòa án chấp nhận thì bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, trừ trường hợp bị đơn được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Việc buộc bị đơn phải chịu án phí là thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTDS; đó là: đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm.

Thứ hai, theo quy định điểm b khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326, đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia. Do đó, trường hợp bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung nhưng không được tòa án chấp nhận thì bị đơn không phải chịu án phí.

Về tính án phí khi tòa án công nhận sự thỏa thuận của đương sự

Đối với một vụ án dân sự, tại phiên hòa giải nếu bị đơn đồng ý thực hiện nghĩa vụ đối với nguyên đơn (ví dụ bị đơn đồng ý trả nợ cho nguyên đơn) thì nguyên đơn có nghĩa vụ phải chịu án phí dân sự không. Vấn đề này hiện nay cũng còn cách hiểu khác nhau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 147 BLTTDS năm 2015 quy định “đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm”. Cụ thể hóa quy định này, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định “bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được tòa án chấp nhận”. Do yêu cầu của nguyên đơn được bị đơn chấp nhận nên bị đơn phải là người phải chịu toàn bộ (100%) án phí, nếu nguyên đơn không có thỏa thuận chịu án phí thay cho bị đơn.

Thứ hai, quy định của khoản 1 Điều 147 BLTTDS năm 2015, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326 là quy định chung, nên việc vận dụng quy định này vào trường hợp cụ thể vụ án có đương sự thỏa thuận giải quyết được vụ án trước khi mở phiên tòa để buộc bị đơn chịu 100% án phí là chưa chính xác. Cụ thể, trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì án phí được tính sau: “Trước khi mở phiên tòa, tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này” (khoản 3 Điều 147 BLTTDS năm 2015). Tương tự, khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”. Như vậy, cụm từ “họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm” hay “phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch” cần được hiểu là “tất cả các bên đương sự, bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)” khi tham gia vào quá trình thương lượng, hòa giải tranh chấp trong vụ án chứ không phải chỉ là một bên đương sự có nghĩa vụ nào đó. Bởi lẽ, khi hòa giải, các đương sự có quyền tự thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án, tòa án chỉ làm nhiệm vụ trung gian và tòa án chỉ ra quyết định để công sự thỏa thuận của đương sự mà không đưa ra bất kỳ quyết định mang tính bắt buộc nào (kể cả quyết định đương sự nào phải chịu án phí). Điều này thể hiện sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự khi tham gia tố tụng. Vụ án có hòa giải thành hay không là do các đương sự tự thỏa thuận. Chỉ khi nào yêu cầu của nguyên đơn được tòa án chấp nhận (tức là trong trường hợp tòa án giải quyết vụ án tại phiên tòa và bằng một bản án) thì bị đơn mới phải chịu toàn bộ án phí. Do đó, nguyên đơn phải chịu 25% án phí như bị đơn.

Tương tự như vậy, trường hợp bị đơn chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Qua hòa giải, bị đơn đồng ý chịu toàn bộ án phí nhưng bị đơn thuộc trường hợp được miễn án phí thì bị đơn phải chịu 25% án phí dân sự theo quy định. Đây là phần án phí bị đơn chịu thay cho nguyên đơn. Bởi vì, theo quy định tại khoản 5 Điều 147 BLTTDS năm 2015, trong vụ án có đương sự được miễn án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Đồng thời, khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326 quy định, trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp. Thực tiễn có trường hợp bị đơn đồng ý chịu toàn bộ án phí, tuy nhiên, do bị đơn thuộc trường hợp được miễn án phí nên tòa án đã miễn toàn bộ án phí cho đương sự trong vụ án là thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.

Đương sự thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí nhưng không làm đơn yêu cầu miễn, giảm án phí

Điều 14 Nghị quyết số 326 quy định người thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí phải làm đơn yêu cầu miễn, giảm án phí để tòa án xem xét. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trường hợp đương sự thuộc trường hợp này nhưng không làm đơn yêu cầu thì có được tòa án xét miễn giảm án phí không. Thực tế xét xử của tòa án hiện nay cho thấy có hai cách giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, mặc dù đương sự không có đơn xin miễn án phí nhưng thuộc trường hợp được miễn thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc hội đồng xét xử xét miễn, giảm án phí cho đương sự, không áp dụng pháp luật một cách quá máy móc và cứng nhắc. Thứ hai, nếu đương sự không có đơn xin miễn, giảm án phí thì thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hoặc hội đồng xét xử không xét miễn, giảm án phí cho họ.

Chúng tôi cho rằng, quy định đương sự phải làm đơn xin miễn, giảm án phí là một quy định mới của Nghị quyết số 326 so với các quy định trước đây về án phí, lệ phí tòa án. Vì vậy, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, hội đồng xét xử và đương sự cần phải tuân thủ và chấp hành đúng quy định này nhằm bảo đảm sự thống nhất và hạn chế sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật.

Quy định chưa hợp lý, chưa thống nhất về trường hợp đương sự rút đơn

Khi một đương sự có đơn yêu cầu tòa án giải quyết một vấn đề hoặc yêu cầu công nhận một sự kiện pháp lý nào đó có liên quan đến quyền, lợi ích mà họ có yêu cầu thì điều cần phải làm là họ sẽ nộp hồ sơ đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ tại tòa án.

Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nói chung và việc dân sự nói riêng, các đương sự đều có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của pháp luật. Như vậy, cả nguyên đơn trong vụ án dân sự và người yêu cầu trong việc dân sự đều có quyền rút đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu đã nộp tại tòa án và tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hoặc quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

Khoản 3 Điều 218 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ”. Như vậy, nếu người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì sẽ được hoàn lại án phí đã nộp.

Trong khi đó, trường hợp người có yêu cầu giải quyết việc dân sự đối với một người mất tích, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có đơn đề nghị rút đơn yêu cầu thì căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366 BLTTDS năm 2015, tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu. Tuy nhiên, đối với trường hợp này thì Nghị quyết số 326 lại quy định tiền tạm ứng lệ phí tòa án đã nộp được sung vào công quỹ Nhà nước (Điều 18 Nghị quyết số 326).

Qua phân tích các vấn đề trên, tác giả nhận thấy rằng quy định tại khoản 3 Điều 218 và Điều 18 Nghị quyết số 326 có sự mâu thuẫn với nhau. Cùng một vấn đề rút yêu cầu nhưng một bên chủ thể được nhận lại còn một bên chủ thể kia số tiền tạm ứng lại sung vào công quỹ Nhà nước. Điều này chứng tỏ sự không công bằng giữa người rút đơn yêu cầu trong việc dân sự và người rút đơn yêu cầu trong vụ án dân sự.

Trong khi đó, vụ án dân sự thường phát sinh nhiều chi phí và có độ phức tạp cao hơn so với việc dân sự. Hơn nữa, điều này cũng không khuyến khích việc đương sự rút đơn khi yêu cầu của mình không có căn cứ.

Tác giả cho rằng trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết nữa thì chi phí tạm ứng phải trả lại cho họ là điều hợp lý. Bởi lẽ, Nhà nước ta luôn khuyến khích các đương sự có thể tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án và rút đơn khởi kiện. Trên thực tế, nhiều tòa án cũng đã áp dụng tương tự và khi người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì cũng đã trả lại lệ phí cho họ. Để bảo đảm sự thống nhất trong quá trình lập pháp cũng như áp dụng pháp luật, tác giả kiến nghị sửa đổi khoản 5 Điều 18 Nghị quyết số 326 như sau: Trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 366 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng lệ phí tòa án đã nộp được trả lại cho họ.

Về chi phí tố tụng khác

Trong thực tiễn, khi tòa án thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại thì ngoài việc đương sự phải chịu án phí, lệ phí tòa án theo quy định từ Điều 143 đến Điều 150 BLTTDS năm 2015, đương sự còn phải chịu các chi phí tố tụng khác được quy định từ Điều 151 đến Điều 168 Bộ luật này. Hiện nay về án phí, lệ phí tòa án đã được quy định chi tiết tại Nghị quyết số 326, đối với các chi phí tố tụng khác thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có văn bản quy định cụ thể.

Chẳng hạn Điều 155 BLTTDS năm 2015 quy định: Tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ là số tiền mà tòa án tạm tính để tiến hành việc thẩm định tại chỗ. Chi phí thẩm định tại chỗ là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho công việc thẩm định tại chỗ căn cứ vào quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn nào quy định tiền chi phí thẩm định tại chỗ là bao nhiêu, từ đó dẫn đến sự tùy nghi trong áp dụng pháp luật. Thực tế trong cùng một địa phương, nhưng tòa án mỗi huyện lại áp dụng khác nhau, kể cả thẩm phán khi tiến hành thẩm định tại chỗ cũng đưa ra các mức chi phí khác nhau.

Tương tự, chi phí định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, BLTTDS năm 2015 tại các Điều 163, 164, 165 và 166 cũng chưa quy định cụ thể về mức chi cho các thành viên trong hội đồng định giá, do đó trên thực tế, các chi phí cho hoạt động định giá tài sản trong mỗi vụ án dân sự không có sự thống nhất và việc chi tiền cho các thành viên hội đồng định giá dựa trên cảm tính của thẩm phán.

Tác giả nhận thấy cần có quy định cụ thể hơn đối với các vụ án tòa án cần định giá cả khối tài sản chung và từng phần trong khối tài sản đó có liên quan đến tài sản tranh chấp, theo hướng:

Thứ nhất, cần quy định trách nhiệm xác định chi phí tố tụng của cơ quan định giá đối với từng phần tài sản được trưng cầu, nói cách khác, cơ quan định giá cần nêu rõ chi phí định giá đối với mỗi tài sản tranh chấp là bao nhiêu để làm căn cứ cho tòa án xác định chi phí mà các đương sự phải chịu.

Thứ hai, cần quy định trong trường hợp cần thiết, mặc dù các đương sự không yêu cầu nhưng để giải quyết vụ án được toàn diện, khách quan, tòa án có quyền yêu cầu định giá với các phần tài sản có liên quan, yêu cầu cơ quan định giá tách chi phí định giá đối với từng tài sản. Kết quả giải quyết, nếu các đương sự không yêu cầu và cũng không được chia phần tài sản tòa đã yêu cầu định giá thêm thì tòa án sẽ chịu chi phí định giá đối với phần tài sản đó.

Việc xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí định giá trong các vụ án loại này cũng tương tự như trên. Mở rộng hơn, việc xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng, nghĩa vụ chịu các loại chi phí tố tụng khác được liệt kê trong Mục 2 Chương IX BLTTDS năm 2015 cũng tuân theo nguyên tắc này sẽ bảo đảm tính toàn diện, cũng như quyền và lợi ích của đương sự.

- - -

(1)     Khoản 2 và khoản 3 Điều 24 Nghị quyết số 326 quy định: Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể. Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.

 

Tài liệu tham khảo

1.      M. Gramatikov, Tilburg Institute for Interdisciplinary Studies of Civil Law and Conflict Resolution Systems. (2010). A Handbook for Measuring the Costs and Quality of Access to Justice. Belgium: Maklu.

2.      Pleasence, P., Coumarelos, C., Forell, S. and McDonald, H. (2014). Reshaping Legal Assistance Services: Building on the Evidence Base. Australia: Law and Justice Foundation of New South Wales.

3.      http://www.luatbinhtam.com/dich-vu-luat-su-2/phi-luat-su-1.

4.      M.ramatikov, Barendrecht, M., Verdonschot, J. H. (2011). Measuring the costs and quality of paths to justice: Contours of a methodology. Hague Journal on the Rule of Law, 3, 30.

5.      Nguyễn Bích Thảo, Công lý và tiếp cận công lý trong tố tụng dân sự, (trong GS.TSKH Đào Trí Úc - TS Nguyễn Công Giao chủ biên - Công lý và quyền tiếp cận công lý - Một số vấn đề lý luận, thực tiễn), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2018, tr.251.

6.      Ph.D Nguyen Thi Thu Thuy (2022), Analyzing the costs of accessing ti Civil proceedings, Institute of State and Law.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ PHẠM VĂN LƯỠNG – Thạc sĩ TRẦN NINH HÀ - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây