(Luật Pháp Lý) - Không chỉ là “môi trường” để các đối tượng tội phạm liên lạc trao đổi, Telegram còn là nơi các đối tượng lợi dụng lừa đảo người dùng, chiếm đoạt tài sản. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) đã ghi nhận nhiều trường hợp bị xâm nhập tài khoản Telegram.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội), đối tượng hay bị nhắm tới thường là những người dùng ít am hiểu về công nghệ, coi Telegram là kênh phụ, không thường xuyên quan tâm đến những biện pháp bảo mật, không biết tính năng xác thực hai bước; không kiểm tra tài khoản có bao nhiêu thiết bị đang sử dụng nên dẫn đến bị đối tượng cùng sử dụng tài khoản của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người thân mà không biết.
Ảnh minh họa.
Thủ đoạn thường gặp là giả mạo tin nhắn của Telegram hoặc tài khoản do đối tượng chiếm đoạt được, từ đó, gửi thông báo yêu cầu “click” vào đường “link” do đối tượng cung cấp trên tin nhắn, nếu không tài khoản sẽ bị buộc hủy trong vòng 24 giờ - 48 giờ.
Khi nạn nhân truy cập vào đường “link” sẽ phải cung cấp số điện thoại và quét QR code theo hướng dẫn của đối tượng. Các đối tượng tấn công dễ dàng đăng nhập vào tài khoản nạn nhân nếu tài khoản này không xác thực hai bước.
Sau khi xâm nhập thành công, đối tượng nghiên cứu các nội dung tin nhắn của người dùng sau đó mạo danh nhắn tin với người thân để mượn tiền (chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng). Khi đối tượng nhắn tin với người thân xong sẽ xóa luôn tin nhắn trao đổi giữa đối tượng với người thân (trên máy của chủ tài khoản) nên người bị xâm nhập tài khoản không phát hiện được.
Anh H., một nạn nhân trú tại Hà Nội chia sẻ, do lo lắng bị mất tài khoản, anh đã thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng. Khi truy cập thành công vào tài khoản của anh H., đối tượng đã gửi tin nhắn cho người thân anh H. vay hơn 200 triệu đồng rồi chiếm đoạt số tiền trên. Chỉ khi người thân gọi điện thoại trực tiếp cho anh H. mới nhận ra mình bị chiếm đoạt số tiền.
Để bảo vệ tài khoản Telegram, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) khuyến cáo người dân nên bảo mật tài khoản Telegram. Cụ thể là thực hiện các thao tác như bật tính năng xác thực hai yếu tố; thường xuyên kiểm tra các thiết bị đang đăng nhập tài khoản để kiểm tra cũng như xóa ngay những thiết bị không phải do mình đang sử dụng; tắt thông báo nhận tin nhắn từ người lạ để tránh các tin nhắn lừa đảo. Nếu không cần thiết, hãy giấu số điện thoại cá nhân trên Telegram; ngăn không cho người lạ tự ý thêm mình vào các group; tắt chế độ tự động tải file từ các group để tránh tải phải những file có chứa mã độc.
Ngoài ra, người dân cần đề cao cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Tác giả bài viết: TRẦN MINH
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn