Bàn về biện pháp hòa giải tại cộng đồng quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015

Thứ ba - 23/07/2024 04:08
(Luật Pháp Lý)  -  Kế thừa nguyên tắc nhân đạo của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, lần đầu tiên tại Điều 94 BLHS năm 2015 quy định Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án có quyền quyết định miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, trong trường hợp nếu người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp này. Quy định này nhằm mục đích để người dưới 18 tuổi phạm tội sửa chữa sai lầm, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi áp dụng trên thực tế còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc nhất định. Do đó, bài viết dưới đây tập trung phân tích dựa trên quy định của pháp luật và đưa ra kiến nghị, hoàn thiện.
Bàn về biện pháp hòa giải tại cộng đồng quy định tại Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 2015
1. Quy định của BLHS năm 2015 về biện pháp hòa giải tại cộng đồng
Không phải tất cả người dưới 18 tuổi phạm tội đều được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng mà phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 94 BLHS năm 2015 như:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015.
Nếu người dưới 18 tuổi phạm tội đáp ứng các điều kiện nêu trên, thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng.
Để biện pháp hòa giải tại cộng đồng được thực hiện nghiêm túc và đủ cơ sở để giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội thì BLHS năm 2015 cũng quy định người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:
- Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời điểm xin lỗi, thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại từ 03 tháng đến 01 năm.
- Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc.
- Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện nghĩa vụ này từ 03 tháng đến 01 năm.
- Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện nghĩa vụ này từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp hòa giải tại cộng đồng
Về trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp hòa giải tại cộng đồng được quy định tại Điều 428 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 như sau:
1. Khi xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của BLHS thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
2. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Tội danh, điểm, khoản, điều của BLHS đã áp dụng;
đ) Họ tên Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
e) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
g) Họ tên người bị hại;
h) Họ tên những người khác tham gia hòa giải;
i) Thời gian, địa điểm, tiến hành hòa giải.
3. Quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại và UBND xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.
4. Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải.
5. Biên bản hòa giải có các nội dung chính:
a) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc;
b) Họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị hại;
đ) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải;
e) Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải;
g) Kết quả hòa giải; người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có);
h) Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hòa giải.
6. Ngay sau khi kết thúc hòa giải, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những người tham gia hòa giải.
3. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng và kiến nghị, đề xuất
So với BLHS năm 1999 thì biện pháp hòa giải tại cộng đồng là một quy định mới của BLHS 2015. Quy định này phù hợp với các điều ước quốc tế cũng như thể hiện sự tiến bộ, nhân văn, mang tính giáo dục trong nguyên tắc xử lý TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, do quy định mới nên thực tiễn áp dụng sẽ phát sinh một số vấn đề có thể gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan tiến hành tố tụng như:
Thứ nhất: Về địa điểm tổ chức biện pháp hòa giải tại cộng đồng thì theo quy định tại khoản 2 Điều 94 BLHS 2015 thì, UBND cấp xã sẽ có nhiệm vụ phối hợp để tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng, nhưng Điều luật chưa nói rõ là việc tổ chức sẽ diễn ra tại UBND cấp xã nào? Có thể hiểu, UBND cấp xã trong trường hợp này là UBND cấp xã nơi cư trú của người dưới 18 tuổi phạm tội, nơi cư trú của bị hại hoặc nơi xảy ra vụ án… Do điều luật chưa quy định cụ thể nên vấn đề đặt ra là UBND xã nào sẽ là nơi được quyết định áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng và phối hợp tổ chức hòa giải theo quy định tại Điều 94 BLHS 2015. Bởi vì, việc UBND cấp xã phối hợp tổ chức hòa giải có thể sẽ liên quan đến việc theo dõi, giám sát việc người dưới 18 tuổi phạm tội chấp hành các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 94 BLHS 2015. Trong đó có việc người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải tuân thủ pháp luật, quy chế, nội quy của nơi cư trú, học tập, làm việc, tham gia học tập, học nghề, lao động… do địa phương tổ chức. Vì vậy, khoản 2 Điều 94 BLHS năm 2015 nên quy định là: “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phạm tội cư trú tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”. Theo đó, nơi cư trú của người phạm tội được xác định theo quy định tại Điều 40, 41 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, cụ thể:
Điều 40 BLDS 2015 quy định:
1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.
3. Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới”.
Điều 41 BLDS năm 2015 quy định:
“1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.
2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Thứ hai: Việc người dưới 18 tuổi phạm tội đã thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 94 BLHS năm 2015 thì cơ quan hoặc cá nhân nào sẽ là người có nhiệm vụ giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi cũng như thực hiện việc đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện nghĩa vụ và xem họ đã có sự tiến bộ, chuyển biến tích cực hay không? Như vậy, đối với trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, pháp luật nước ta cần có quy định hướng dẫn một cách cụ thể hơn nữa về cơ quan có trách nhiệm giám sát, giáo dục và đánh giá kết quả chấp hành pháp luật, học tập, nhằm đảm bảo việc bắt buộc người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải tuyệt đối chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ, đảm bảo biện pháp giám sát, giáo dục này có hiệu lực thi hành trên thực tế. Cụ thể, trong trường hợp này, BLHS năm 2015 nên quy định giao cho UBND cấp xã nơi người dưới 18 tuổi phạm tội cư trú có trách nhiệm giám sát, giáo dục trong thời gian người đó thực hiện biện pháp hòa giải tại cộng đồng.

Tác giả bài viết: TRẦN VĂN MINH

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây