Người phạm tội phản bội Tổ quốc có bị tử hình không?

Chủ nhật - 18/08/2024 22:44
(Luật Pháp Lý)- Người phạm tội phản bội Tổ quốc có bị tử hình không? Cha, mẹ che giấu con thực hiện hành vi phạm tội phản bội Tổ quốc có được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Người phạm tội phản bội Tổ quốc có bị tử hình không?

Căn cứ tại Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội phản bội Tổ quốc như sau:

Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, công dân Việt Nam nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội Tổ quốc.

Hình phạt đối với tội phản bội Tổ quốc cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, người phạm tội phản bội tổ quốc có thể phải chịu hình phạt tử hình.

toiphanboitqphaply

Người phạm tội phản bội Tổ quốc có bị tử hình không? (Hình từ Internet)

Cha, mẹ che giấu con thực hiện hành vi phạm tội phản bội Tổ quốc có được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tại Điều 18 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 18. Che giấu tội phạm
1. Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.
2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

Theo quy định thì người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, trường hợp cha, mẹ có hành vi che giấu con thực hiện hành vi phạm tội phản bội Tổ quốc sẽ không được miễn chịu trách nhiệm hình sự.

Có áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phản bội Tổ quốc không?

Tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:
1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;
2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;
3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Theo quy định thì không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hính sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Như vậy, tội phản bội Tổ quốc không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cha, mẹ không tố giác con phạm tội phản bội Tổ quốc có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về không tố giác tội phạm như sau:

Điều 19. Không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Như vậy, cha, mẹ có hành vi không tố giác con phạm tội phản bội Tổ quốc phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Tác giả bài viết: Luật Pháp Lý

Nguồn tin: Theo Thư viện Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây