Những bất cập tại đề xuất dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT

Thứ tư - 28/08/2024 21:31
(Luật Pháp Lý) -  Các giáo viên đang là viên chức chỉ có thể tham gia dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm, không thể tự mình đứng ra thành lập và quản lý cơ sở dạy thêm. Đây là quy định mang tính nguyên tắc chung cho các ngành nghề, không chỉ riêng lĩnh vực dạy thêm và học thêm. 

Trước đây, theo quy định về dạy thêm, học thêm (được ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/05/2012) của Bộ GD&ĐT, tại khoản 4 Điều 4 có quy định về “các trường hợp không được dạy thêm”, trong đó có quy định, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
 

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm (dự thảo Thông tư) thì Bộ GD&ĐT đã không còn quy định cụ thể về các trường hợp không được dạy thêm mà chỉ quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm và các điều kiện để tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Ngoài ra, tại Điều 5 của dự thảo Thông tư cũng quy định: Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải có “đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì quy định rõ, tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam gồm: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo quy định này, các giáo viên đang là viên chức sẽ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Do đó, các giáo viên đang là viên chức chỉ có thể tham gia dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm, không thể tự mình đứng ra thành lập và quản lý cơ sở dạy thêm. Đây là quy định mang tính nguyên tắc chung cho các ngành nghề, không chỉ riêng lĩnh vực dạy thêm và học thêm. 
Cũng theo Điều 10, Quy định về dạy thêm, học thêm (được ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/05/2012 của Bộ GD&ĐT) về cơ sở vật chất phục cụ dạy thêm, học thêm nêu rõ, cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ Y tế về vệ sinh trường học và Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường THCS, trường THPT, trong đó có các yêu cầu tối thiểu:
- Địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; ở xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn; ở xa các trục đường giao thông lớn, sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở.
- Phòng học đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên; được thông gió và đủ độ chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, phòng bệnh.
- Kích thước bàn, ghế học sinh và bố trí bàn, ghế học sinh trong phòng học đảm bảo các yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011.
- Bảng học được chống lóa; kích thước, màu sắc, cách treo bảng học đảm bảo các yêu cầu tại Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày 18/4/2000.
- Có công trình vệ sinh và có nơi chứa rác thải hợp vệ sinh.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư mới lại không quy định cụ thể điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy thêm, học thêm mà chỉ có quy định mang tính nguyên tắc chung tại khoản 3 Điều 3 như sau: “Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm”.
Quy định này là quá chung chung, khó có thể đảm bảo được yêu cầu của thực tiễn. Để việc dạy và học đạt được kết quả tốt thì điều kiện về cơ sở vật chất, từ địa điểm, phòng học, bàn ghế, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy... phải đảm bảo những tiêu chí, điều kiện nhất định. Do đó, dự thảo Thông tư cần phải bổ sung thêm các quy định về điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với hoạt động dạy thêm và học thêm.
Về nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, tại Điều 6 dự thảo Thông tư quy định, việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Hiện nay, pháp luật hiện hành đã có đầy đủ các quy định cần thiết để nộp và thu thuế đối với hoạt động dạy thêm và học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường. Còn đối với các cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì dự thảo Thông tư quy định thì phải có “đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật”, tức là phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào hình thức đăng ký kinh doanh mà việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với mô hình doanh nghiệp) và phải nộp thuế thu nhập cá nhân (đối với môi hình hộ kinh doanh).
Có thể nói dạy thêm và học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người dạy và người học. Tuy nhiên, đây cũng luôn là vấn đề rất “nhạy cảm”, có thể phát sinh những mặt tiêu cực, liên quan đến khía cạnh đạo đức nghề nghiệp của giáo viên, cũng như nhiều vấn đề pháp lý khác nhau.
Do đó, để hoàn thiện dự thảo Thông tư cần có sự tham gia, đóng góp ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới về lĩnh vực này. 

 

Tác giả bài viết: Thạc sĩ, uật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây