Quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất

Thứ tư - 09/07/2025 22:43

(LSVN) - Chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Trong đó, Điều 24 Luật này quy định về việc phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất như sau:

Trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

-Chấp hành quy định về an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt theo quy định của pháp luật về điện lực;

- Đơn vị bán lẻ điện khi đấu nối điện sinh hoạt phải tư vấn việc lắp đặt, sử dụng đối với hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy;

- Việc lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn điện theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện không bảo đảm an toàn về phòng cháy;

- Chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.

huong dan cach chon aptomat cho ho gia dinh chinh 1 10120381
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Trong lắp đặt, sử dụng điện cho sản xuất phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy sau đây:

- Chấp hành quy định về an toàn trong sử dụng điện cho sản xuất theo quy định của pháp luật về điện lực và quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

- Thiết bị điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ phải là thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện có trách nhiệm tư vấn, cung cấp thông tin về chất lượng, thông số kỹ thuật của sản phẩm, thiết bị điện phù hợp với mục đích sử dụng.

Đơn vị bán lẻ điện có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn sử dụng điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Như vậy, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 quy định việc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất như lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện trong nhà phải bảo đảm yêu cầu về an toàn điện theo quy định của pháp luật. Theo đó, phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, thay thế dây dẫn điện, thiết bị điện không bảo đảm an toàn về phòng cháy; thiết bị điện được sử dụng trong môi trường nguy hiểm về cháy, nổ phải là thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.

Luật cũng quy định chỉ được sử dụng thiết bị sạc điện cho xe động cơ điện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn . Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện và đơn vị bán lẻ điện. Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, thiết bị điện có trách nhiệm tư vấn, cung cấp thông tin về chất lượng, thông số kỹ thuật của sản phẩm, thiết bị điện phù hợp với mục đích sử dụng.

Điều 12 Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy định rõ, phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì thiết bị điện phòng nổ đã được trang bị, lắp đặt.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị, lắp đặt, sử dụng thiết bị điện phòng nổ.

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà;

- Không có hệ thống điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy;

- Không duy trì nguồn điện phục vụ phòng cháy và chữa cháy.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này khi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện giải pháp ngăn cháy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

 

Tác giả bài viết: HUYỀN TRANG

Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

ĐỐI TÁC CỦA LUẬT PHÁP LÝ
ngan háng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây