Công ty Luật TNHH Pháp Lý và Cộng sự. Địa chỉ: 108 Nguyễn Trãi - TP. Vinh - Nghệ An. Điện thoại: 0944662888. Email: phaplycongsu@gmail.comCông ty Luật TNHH Pháp Lý và Cộng sự
0944662888
Báo chí ghi âm, ghi hình tại phiên tòa - Nhìn từ góc độ bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Công ty Luật TNHH Pháp Lý và Cộng sự. Địa chỉ: 108 Nguyễn Trãi - TP. Vinh - Nghệ An. Điện thoại: 0944662888. Email: phaplycongsu@gmail.comhttps://luatphaply.com/uploads/logo-phap-ly.png
Thứ năm - 06/06/2024 04:00
Ghi âm lời nói, ghi hình, chụp ảnh phiên tòa đang xét xử có phải là hành vi xâm phạm, gây ảnh hưởng đến việc thực thi quyền con người, quyền công dân hay không? Thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, các cơ quan báo chí có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc ghi âm, ghi hình phiên tòa nêu trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ghi âm lời nói, ghi hình, chụp ảnh phiên tòa đang xét xử có phải là hành vi xâm phạm, gây ảnh hưởng đến việc thực thi quyền con người, quyền công dân hay không? Thời gian qua, trên diễn đàn Quốc hội, các cơ quan báo chí có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc ghi âm, ghi hình phiên tòa nêu trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đặt vấn đề Theo dự thảo lần 5 Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi – gọi tắt là “Dự thảo Luật”), tại khoản 3 và khoản 4, Điều 141 quy định: “3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. 4. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”. Dự thảo Luật này đang được trình Quốc hội cho ý kiến góp ý trong phiên thảo luận tại Hội trường Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 28/5/2024 và dự kiến sẽ biểu quyết thông qua cuối kỳ họp. Bên ủng hộ Dự thảo Luật và ý kiến tiếp thu của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc quy định như vậy là để đảm bảo quyền con người, quyền công dân; đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp đình, không ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử của Tòa án. Bên phản đối thì cho rằng, nội dung Dự thảo Luật như trên sẽ làm giảm tính minh bạch, công khai của hoạt động xét xử, cản trở vai trò giám sát của báo chí, không đúng tinh thần của Hiến pháp 2013, Luật Báo chí 2016. Quan điểm của bên nào cũng có cái lý và đều viện dẫn các quy định pháp luật để bảo vệ cho lập luận của mình. Vấn đề đặt ra là việc hạn chế ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động báo chí, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử và có thật sự đảm bảo thực thi quyền con người hay không? Luật báo chí và Luật tố tụng hiện hành quy định hoạt động báo chí tại phiên tòa ra sao? Điểm d, khoản 2, Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 quy định quyền của Nhà báo: “Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”. Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015, tại khoản 2, Điều 256 quy định về nội quy phiên tòa: “2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Pháp luật tố tụng dân sự (bao gồm: Án dân dự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động), tố tụng hành chính, quy định cụ thể hơn về hoạt động tác nghiệp của báo chí khi tham gia phiên tòa. Cụ thể, tại khoản 4, Điều 234, Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 và khoản 4, Điều 153, Luật Tố tụng Hành chính (LTTHC) quy định về nội quy phiên tòa: “Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ”. Như vậy, giữa Luật Báo chí và các bộ Luật, Luật về tố tụng không mâu thuẫn về quyền tác nghiệp của báo chí và Nhà báo tham dự phiên tòa. Mở rộng hơn, quyền tiếp cận thông tin của báo chí và của công dân, ngoài quy định trong Luật Báo chí còn được Hiến định tại Điều 25, Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Quy định này được cụ thể hóa tại khoản 4, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin 2016: "Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Có thể nói, pháp luật hiện hành quy định khá đầy đủ về quyền hành nghề của Nhà báo tại các phiên tòa xét xử về hình sự, dân sự, hành chính, chưa thấy cơ quan, tổ chức, cá nhân nào phản ảnh nào về việc phóng viên tham dự phiên tòa ghi âm, chụp ảnh xâm phạm quyền con người, quyền công dân. Các phóng viên khi tác nghiệp đều tuân thủ sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa và các lực lượng bảo vệ phiên tòa. Ghi âm lời nói, ghi hình, chụp ảnh tại phiên tòa: Có xâm phạm quyền con người? Quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình trong Dự thảo Luật, theo giải thích của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trên diễn đàn Quốc hội là nhằm bảo đảm việc thực thi quyền con người, sự tôn nghiêm của phiên tòa... Giải thích của Chánh án TAND Tối cao là có cái lý của cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật và người đứng đầu hệ thống Tòa án. Nhưng, nếu soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau của một quy định pháp luật, có thể cách lý giải này chưa thật đầy đủ và chưa thuyết phục. Trước hết, theo tôi cần phải tách bạch các hoạt động tác nghiệp ghi âm lời nói, ghi hình, chụp ảnh của Nhà báo tại phiên tòa ra thành nhiều hành vi, không đưa chung vào một “rọ”. Về hành vi ghi hình, chụp ảnh của Nhà báo: Tôi thống nhất với phần Dự thảo Luật. Bởi chúng ta cần tuân thủ đúng nguyên tắc: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” theo khoản 1, Điều 31, Hiến pháp 2013 và Nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13, BLTTHS hiện hành. Hình ảnh của cá nhân là quyền về nhân thân được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự (BLDS) bảo vệ; bất kỳ tổ chức, cá nhân nào muốn sử dụng hình ảnh của họ phải được sự đồng ý của người đó (khoản 1, Điều 32, BLDS). Do vậy, về việc ghi hình, chụp ảnh để đăng báo, báo chí cũng hết sức hạn chế trong việc đăng, phát hình ảnh của bị can, bị cáo để đảm bảo quyền nhân thân của họ. Đối với các phiên tòa dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hôn nhân gia đình, hành chính (gọi chung là phi hình sự), cần quy định cấm việc ghi hình, chụp ảnh các đương sự tham gia tố tụng; đương sự nào muốn được ghi hình để đăng/phát trên các cơ quan báo chí thì chỉ được thực hiện ngoài phòng xử án và đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền cá nhân đối với hình ảnh của người khác. Về ghi âm lời nói: Trong các phiên tòa hình sự (trừ những phiên tòa xét xử “đại án” hoặc liên quan đến an ninh quốc gia), người tham gia, tham dự phiên tòa, kể cả báo chí được mang điện thoại, các thiết bị điện tử khác (bao gồm cả thiết bị có chức năng ghi âm) vào phòng xử án mà không bị lực lượng bảo vệ cản trở. Các phiên tòa phi hình sự cũng tương tự, mọi người mang điện thoại, thiết bị điện tử có chức năng ghi âm vào phòng xử án mà không bị cưỡng chế, buộc gửi lại bên ngoài. Về cơ bản, việc ghi âm trên thực tế không gây ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa và cũng khó bị phát hiện. Nếu Dự thảo Luật cấm Nhà báo, đương sự ghi âm thì sẽ có hai tình huống xảy ra: Lực lượng bảo vệ phiên tòa không kiểm soát hết được và chắc chắn không thể phát hiện ra việc ghi âm; Nếu buộc Nhà báo, đương sự không được mang điện thoại, thiết bị điện tử khác (bao gồm thiết bị có chức năng ghi âm) có thể dẫn đến việc hạn chế quyền của Nhà báo, của công dân, đồng thời nếu xảy ra mất mát, ai là người chịu trách nhiệm? Tất nhiên việc ghi âm không được phép của Chủ tọa phiên tòa, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý theo điểm c, khoản 4, Điều 23, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực từ tháng 09/2022. Nếu sử dụng sai mục đích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì tùy mức độ, có thể bị xử lý hành chính, bị kiện dân sự, thậm chí bị xử lý hình sự. Về thực tế: Việc Nhà báo ghi âm là hoạt động tác nghiệp hợp pháp. Việc ghi âm giúp cho Nhà báo đưa thông tin đến công chúng đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực diễn biến phiên tòa. Đồng thời ghi âm là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xác minh, kiểm chứng khi có khiếu nại liên quan đến hoạt động báo chí. Đồng thời, việc ghi âm sẽ giúp cho cơ quan chức năng kịp thời phát hiện những sai sót trong hoạt động tiến hành tố tụng tại phiên tòa của những người tiến hành tố tụng, nhất là các vụ việc liên quan đến việc tuyên án và phát hành bản án sau đó. Mặt khác, việc cho báo chí ghi âm còn thực thi đúng nguyên tắc đã được hiến định tại khoản 3, Điều 103, Hiến pháp 2013: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”. Công khai ở đây không chỉ được hiểu là công khai trong phòng xử án mà cần hiểu rộng hơn là công khai với công chúng, trừ những trường hợp cần xử kín đã được Hiến pháp, các Bộ luật, Luật về tố tụng quy định chi tiết. Việc công khai này còn nhằm mục đích để xã hội giám sát hoạt động xét xử của TAND các cấp và hoạt động tố tụng trước đó của các cơ quan tiến hành tố tụng trong các vụ án hình sự. Do vậy, theo quan điểm người viết, quy định của Dự thảo Luật liên quan đến việc ghi âm lời nói, ghi hình với lập luận ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân là chưa thật sự thuyết phục. Giải pháp nào cho việc ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa? Về nguyên tắc, việc bảo đảm quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các luật có liên quan, chúng ta không có gì phải bàn cãi và cần phải ủng hộ việc thực thi một cách nghiêm túc, phù hợp pháp luật trong nước và các thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Cá nhân tôi, mong muốn việc này được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả. Tuy nhiên, từ các quy định pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và thực tiễn cuộc sống đặt ra, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật cần có cái nhìn cởi mở hơn, đa chiều hơn để khi pháp luật được ban hành sẽ áp dụng được trong thực tiễn cuộc sống. Như đã nêu ở phần trên, việc ghi hình, chụp ảnh cần phải hạn chế, trừ những vụ án, vụ việc mà Chủ tọa phiên tòa, chủ tọa phiên họp hoặc các đương sự tham gia tố tụng cho phép. Đối với việc ghi âm, tôi cho rằng chỉ cần quy định như trong BLTTHS, BLTTDS, LTTHC hiện hành là đủ, không cần phải đưa thêm vào trong Luật tổ chức Tòa án. Bởi lẽ, trong các văn bản này cùng với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã đủ cơ sở để chế tài đối với vi phạm của đương sự tham gia tố tụng. Đối với hoạt động của báo chí, người tham gia mạng xã hội, hiện nay cũng đủ công cụ pháp lý để xử lý nếu Nhà báo, cơ quan báo chí và người dân tham gia mạng xã hội có hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, theo quan điểm cá nhân, Luật Tổ chức Tòa án cần bỏ Điều 141 như dự thảo. Trường hợp không bỏ điều luật này thì nên quy định theo hướng dẫn chiếu đến các luật có liên quan là đủ, tránh trường hợp Luật Tổ chức Tòa án mâu thuẫn với các luật chuyên ngành khác.