Điều kiện để hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành được quy định như sau:
Về nguyên tắc chung thì các bên không được quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng mà không được sự đồng ý của bên còn lại. Việc hủy bỏ hợp đồng được coi là ngoại lệ và phải được pháp luật quy định cụ thể. Theo đó khoản 1 Điều 423 BLDS 2015 quy định:
“1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:
a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;
c) Trường hợp khác do luật quy định".
Hủy bỏ hợp đồng là một trong những quyền của các bên giao kết hợp đồng khi có điều kiện hủy bỏ hợp đồng xảy ra. Theo quy định trên, khi có sự vi phạm hợp đồng thì sẽ trở thành điều kiện để hủy bỏ hợp đồng kết quả là hợp đồng đó sẽ chấm dứt.
Đối với trường hợp một bên vi phạm hợp đồng chỉ được coi là điều kiện hủy bỏ hợp đồng nếu các bên đã thỏa thuận từ trước, sự vi phạm này có thể là nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng, có thể là sự vi phạm bất cứ điều khoản nào của hợp đồng thì bên vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng.
Trường hợp một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng thì không phải dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên. Sự vi phạm nghĩa vụ của một bên luôn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mục đích giao kết hợp đồng thì hợp đồng buộc phải hủy bỏ.
Ngoài trường hợp các bên thỏa thuận hoặc một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, các bên còn có thể hủy bỏ hợp đồng trong các trường hợp khác do luật quy định. Việc hủy bỏ có thể xảy ra ngay cả khi không có sự vi phạm của bất cứ bên nào trong hợp đồng mà có thể vì lý do khách quan dẫn đến mục đích giao kết hợp đồng không thể đạt được hoặc có các quy định trong luật chuyên ngành khác thì nếu các bên không có thỏa thuận sẽ căn cứ vào các quy định này để xác định quyền hủy bỏ hợp đồng của một bên.
Ngoài các quy định về điều kiện chung để dẫn đến hủy bỏ hợp đồng, BLDS 2015 cũng đã bổ sung thêm một số quy định riêng về hợp đồng có thể bị hủy bỏ trong những trường hợp như: Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ theo Điều 424, Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện theo Điều 425, Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, hư hỏng theo Điều 426 và Hủy bỏ hợp đồng không đủ căn cứ theo Điều 427 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015.
Đánh giá những quy định về hủy hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành như sau:
Các căn cứ hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 423, Điều 424, Điều 425, Điều 426 BLDS 2015. Thực tế cho thấy đã phát sinh những vấn đề:
Một là, trong quá trình thực hiện hợp đồng, hợp đồng có thể bị chấm dứt hoặc bị hủy bỏ, tuy nhiên hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng sẽ trở nên rất bất lợi cho bên vi phạm, bởi lẽ khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng có thể không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Tuy nhiên với hợp đồng được coi là không có hiệu lực một phần nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về phạt vi phạm, thỏa thuận về bồi thường thiệt hại cũng như thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Quy định này cho thấy chỉ một sự vi phạm nhưng có thể xảy ra nhiều hậu quả như: hợp đồng bị hủy bỏ, bên vi phạm bị phạt vi phạm, bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại và những thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Việc quy định hậu quả của hủy bỏ hợp đồng như vậy còn chưa phù hợp vì nó khiến bên vi phạm dù nặng hay nhẹ cũng phải chịu quá nhiều hậu quả. Điều này không phù hợp với nguyên tắc bình đẳng được quy định tại Điều 3 BLDS 2015, đồng thời cũng không phù hợp với lẽ công bằng mà các quan hệ dân sự đều hướng tới.
Hai là, BLDS 2015 đã bao hàm một số điều khoản về chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng nhưng chưa đầy đủ. Trong pháp luật nhiều nước trên thế giới bên cạnh phần điều chỉnh cho phép chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng khi một bên không thực hiện đúng hợp đồng thì còn chứa đựng những điều khoản quy định một cách bao quát những trường hợp được hủy bỏ hợp đồng khi một bên không được thực hiện đúng hợp đồng. Cách điều chỉnh này sẽ cho phép hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng khi các quy phạm điều chỉnh hợp đồng không đầy đủ hoặc khi hợp đồng không phải là hợp đồng thông dụng mà phần riêng có đề cập. Vì vậy, trên thực tế có nhiều trường hợp có hành vi vi phạm có thể dẫn đến hậu quả chấm dứt hợp đồng nhưng lại không được quy định trong BLDS 2015.
Từ những phân tích nêu trên, cần có các giải pháp để khắc phục như sau:
- Cần bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng đối với một số hợp đồng dân sự thông dụng khác và một số hợp đồng dân sự không thông dụng. Ví dụ: hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng vận chuyển tài sản, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cần cụ thể hóa về hủy bỏ hợp đồng dân sự tại các luật có liên quan đến hợp đồng dân sự như: Luật nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng…và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Nội dung của các văn bản pháp luật về cùng một vấn đề phải không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau;
- Cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn quy định giới hạn trần mức phạt vi phạm khi hủy bỏ hợp đồng;
- Cần hướng dẫn, chấp nhận thỏa thuận của các bên về một mức bồi thường thiệt hại cố định khi hủy bỏ hợp đồng ngay thời điểm ký kết hợp đồng, đó có thể là một khoản tiền nhất định hoặc là một cách tính thiệt hại được dự liệu trước. Cần quy định rõ các căn cứ xác lập, xác định mức bồi thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp chấm dứt hợp đồng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Cần bổ sung thêm các quy định tính khoản lãi trong hợp đồng vay tài sản khi xử lý hậu quả pháp lý chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng vay tài sản;
- Cần quy định hướng dẫn áp dụng giải quyết hậu quả việc chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân.
Hợp đồng bị hủy bỏ là điều các bên giao kết hợp đồng thường không muốn hướng tới khi đàm phán và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, hủy bỏ hợp đồng cũng là biện pháp xử lý khi có hành vi vi phạm hợp đồng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Vì vậy, pháp luật của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới và pháp luật quốc tế đều có sự quan tâm nhất định đến việc điều chỉnh hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng.
Tác giả bài viết: PHẠM VĂN PHƯƠNG
Nguồn tin: Theo Tạp chí Luật sư Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn